Hoàn thành các tiêu chí về giáo dục và đào tạo
Học sinh Trường THCS xã Đồng Ý trong phòng học ngoại ngữ |
Giữ và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục
Là xã thuần nông với 15 thôn bản trải dài gần 10 km trên quốc lộ 1B, gồm các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao…công tác giáo dục đào tạo (GD&ĐT) của xã Đồng Ý gặp không ít khó khăn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến năm 1994, toàn xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ; năm 2003 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trên đà ấy, năm 2000, xã đã hoàn thành phổ cập THCS; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi – 60 tuổi biết chữ đạt trên 70%; năm 2014, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập, nâng cao mặt bằng dân trí là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà còn nâng cao khả năng của người dân trong việc tiếp nhận các dịch vụ xã hội để phát triển. Xác định động cơ và mục đích của việc duy trì phổ cập, Đảng bộ xã đã chỉ đạo thực hiện 2 nhiệm vụ là: nâng cao chất lượng giáo dục chính quy, rà soát và huy động người trong độ tuổi ra lớp bổ túc. Trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và huy động học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6 luôn đạt 100%. Hiệu quả đào tạo cấp THCS đạt trên 98% (năm học 2015-2016 đạt 98,06%), hằng năm có trên 95% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại 2 trường THPT của huyện, trung tâm GDTX hoặc học nghề. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-60 biết chữ đã đạt trên 99%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt 35%.
Đẩy mạnh xây dựng trường học chuẩn quốc gia
Bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2004-2006 và sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đến năm 2014, Đồng Ý đã có 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng thêm trường học đạt chuẩn quốc gia vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Từ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự phối hợp của ngành GD&ĐT, kế hoạch xây dựng trường THCS đạt chuẩn Quốc gia đã được đặt ra từ năm 2013. Theo đó, từng phần việc được xác định như: nhà trường phải đảm nhiệm nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục; người dân cùng chung tay góp sức; nhà nước tăng mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Thầy giáo Trần Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Ý cho biết: Quán triệt các nghị quyết của Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT”, nhà trường đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng như: thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động để nâng cao phẩm chất trình độ, năng lực nhà giáo; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, tư vấn nghề cho học sinh…góp phần từng bước tạo ra những lớp người lao động mới – chủ nhân của nông thôn mới”.
Song song với cố gắng của nhà trường, được sự quan tâm của tỉnh và hội tụ các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trong 2 năm qua, trường THCS đã được đầu tư 2 khối nhà với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng, mang lại một cơ ngơi chuẩn, khang trang. Công tác xã hội hóa được thực hiện có hiệu quả với trên 117 triệu đồng để tăng cường trang thiết bị cho nhà trường. Kết quả, vào đầu năm học 2016-2017, Trường THCS Đồng Ý đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lên đạt trên 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%; toàn xã đã có 3 trong tổng số 4 trường học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 75%), xã Đồng Ý đã hoàn thành các tiêu chí 5 và 14 trong 19 tiêu chí của nông thôn mới.
Ông Trần Ngọc Vịnh, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Ý khẳng định: “Trong hành trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến hết năm 2017, vẫn còn 9 tiêu chí phải hoàn thành và sẽ còn nhiều khó khăn phía trước; song khi hoàn thành 2 tiêu chí về GD&ĐT, xã Đồng Ý sẽ được tạo “thế” về nhân lực trong thực hiện các tiêu chí tiếp theo; tạo điều kiện về con người trong vận hành nông thôn mới”.
Ý kiến ()