Hoàn tất quá trình chia tách bưu chính, viễn thông
Nhân viên Tổng công ty Bưu chính kiểm tra mã vạch bưu kiện. Từ ngày 1-1-2013, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) chính thức tách ra hoạt động độc lập với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đây là xu thế tất yếu, tạo điều kiện thuận lợi để cả VNPT và VietnamPost cùng đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn. Với VNPT, đây sẽ là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh của Tập đoàn, còn với VietnamPost, đây sẽ là động lực để toàn ngành bưu chính tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và phát triển.Phù hợp xu thế phát triểnNăm 2011, việc chia tách bưu chính viễn thông được bắt đầu thực hiện thí điểm tại 11 bưu điện tỉnh, thành phố. Đến năm 2003, việc chia tách này được triển khai đồng loạt ở tất cả các bưu điện trên cả nước và năm 2008, VietnamPost chính thức được thành lập. Cho đến nay, VietnamPost tách khỏi VNPT chính là bước cuối cùng, hoàn tất quá trình chia tách bưu chính viễn thông. Cùng với việc tách khỏi...
Nhân viên Tổng công ty Bưu chính kiểm tra mã vạch bưu kiện. |
Phù hợp xu thế phát triển
Năm 2011, việc chia tách bưu chính viễn thông được bắt đầu thực hiện thí điểm tại 11 bưu điện tỉnh, thành phố. Đến năm 2003, việc chia tách này được triển khai đồng loạt ở tất cả các bưu điện trên cả nước và năm 2008, VietnamPost chính thức được thành lập. Cho đến nay, VietnamPost tách khỏi VNPT chính là bước cuối cùng, hoàn tất quá trình chia tách bưu chính viễn thông. Cùng với việc tách khỏi VNPT, VietnamPost có tên gọi mới là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên không có Hội đồng thành viên, áp dụng mô hình Chủ tịch công ty và Ban Tổng Giám đốc với chủ sở hữu trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Việc chia tách bưu chính, viễn thông là nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế thị trường và phù hợp xu thế chung của thế giới. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc chia tách này sẽ tạo điều kiện cho viễn thông thực hiện tự do hóa thương mại, còn bưu chính có điều kiện để cải cách, từng bước tiến tới cân bằng thu chi và có lãi. Đến nay, hầu hết các nước thành viên của Liên minh viễn thông thế giới đã tách riêng bưu chính, viễn thông và chỉ còn khoảng 10%, chủ yếu là những quốc gia nhỏ, có quy mô mạng lưới và hoạt động của cả hai lĩnh vực ở mức nhỏ và vừa.
Tại Việt Nam, sau nhiều năm chia tách, VietnamPost vẫn giữ vững và phát huy vai trò chủ lực đối với mạng lưới bưu chính chuyển phát của đất nước, bảo đảm thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, ổn định đời sống người lao động, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, bước đầu nâng cao sản lượng các dịch vụ hiện có, phát triển thêm một số dịch vụ mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên rõ rệt… Đây chính là điều kiện cần thiết để VietnamPost tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT.
Tổng Giám đốc VietnamPost Đỗ Ngọc Bình cho biết, nếu không tách VietnamPost ra khỏi VNPT thì sẽ có nhiều khó khăn trong việc quản lý nội tại với cả mảng bưu chính và viễn thông. Đối với VNPT, mảng viễn thông, công nghệ thông tin (VT-CNTT) đã được mở cửa thị trường. Tuy nhiên đối với bưu chính, Nhà nước vẫn trực tiếp quản lý mảng bưu chính công cộng để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nên việc cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích được thực hiện trong điều kiện Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho bưu chính. Nếu VietnamPost vẫn nằm trong VNPT thì về mặt chủ thể, Nhà nước hỗ trợ cho VNPT, rồi từ VNPT mới đến VietnamPost. Do vậy, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, về danh nghĩa là doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ không phù hợp. Vì vậy, về mặt chiến lược và lâu dài, Nhà nước đã xây dựng lộ trình tách hai mảng ra hoạt động riêng. Luật Bưu chính cũng đã quy định rõ, đối với lĩnh vực bưu chính, Nhà nước vẫn tổ chức mạng bưu chính công cộng duy nhất để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công ích, bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng, chống thiên tai… Do vậy, nhiệm vụ của DN nhà nước được chỉ định quản lý và phát triển mạng bưu chính công cộng là cần phát triển mạng bưu chính này để cung cấp các dịch vụ công ích theo yêu cầu của nhà nước và phát triển kinh doanh để lấy kinh doanh hỗ trợ nhiệm vụ công ích, dần dần hướng tới Nhà nước không phải bù đắp trực tiếp cho DN nữa.
Tiếp tục đổi mới hoạt động
Theo Thứ trưởng TT&TT Nguyễn Thành Hưng, việc tách VietnamPost ra VNPT, hoạt động độc lập là một bước đi phù hợp xu thế phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ công ích phải được tách bạch rõ ràng, đồng thời nhằm tạo điều kiện để Tập đoàn cũng như Tổng công ty này có điều kiện để phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Bộ TT&TT sẽ quản lý VietnamPost với vai trò là đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước, VietnamPost nằm trong Bộ TT&TT chỉ ở khía cạnh chịu sự quản lý vốn nhà nước của bộ. Bộ TT&TT không coi VietnamPost là một đơn vị hành chính mà VietnamPost sẽ tiếp tục hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao (là đơn vị duy nhất thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích), VietnamPost cũng sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp bưu chính khác trên thị trường, đúng theo Luật Doanh nghiệp. Việc tách ra hoạt động độc lập về cơ bản, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho VietnamPost trong quá trình hoạt động bởi tới đây, các quyết định mà VietnamPost thực hiện sẽ do Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Tổng công ty quyết định, hoàn toàn khác với giai đoạn trước. Sau khi hoạt động theo mô hình mới, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, VietnamPost cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp bởi thời gian năm năm tách ra hạch toán độc lập vừa qua, vấn đề này chưa được đặt ra quyết liệt do phải thực hiện từng bước chia tách. Nhưng khi VietnamPost tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với Tập đoàn thì cần phải có cái nhìn nghiêm túc hơn, chú trọng hơn các vấn đề liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề lớn nhất mà VietnamPost gặp phải chính là vấn đề chất lượng dịch vụ mà nguyên nhân cũng là do việc tổ chức sản xuất, mạng lưới tạo ra. Cho nên việc tập trung giải quyết các tồn tại về mặt cấu trúc, tổ chức sẽ là vấn đề VietnamPost phải ưu tiên hàng đầu nhằm tiếp tục hoạt động có hiệu quả, cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát khác. Nếu như VietnamPost không tiếp tục quá trình cải tổ, đổi mới hoạt động, tăng cường hơn nữa khả năng phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ thì sự hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ không có ý nghĩa.
Năm 2013 là năm đầu tiên VietnamPost tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT và cũng sẽ là năm cuối cùng VietnamPost được nhận trợ cấp công ích trực tiếp bằng tiền của Nhà nước. Đây sẽ là những khó khăn, thách thức trước mắt đối với VietnamPost. Tuy nhiên, VietnamPost vẫn đặt mục tiêu tổng lợi nhuận toàn Tổng công ty là 45,5 tỷ đồng, tăng 7% so với dự kiến thực hiện năm nay. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ – Bưu chính Việt Nam phấn đấu đạt 32,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012 và lợi nhuận các công ty con đạt 13 tỷ đồng, tăng 14%.
Theo Nhandan
Ý kiến ()