LSO-Một trong những tiêu chí được đánh giá là rất khó đạt mà cho tới nay, thậm chí ngay cả một số địa phương đã thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng vẫn chưa đạt được, đó là tỉ lệ lao động qua đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình chăn nuôi lợn nái của phụ nữ phường Tam Thanh TP Lạng Sơn sau khi được đào tạo nghề - Ảnh: Thanh HuyềnTheo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thì đối với các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc (trong đó có Lạng Sơn), tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo phải đạt trên 20% và tỉ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là dưới 45%. Quả thực đây là một bài toán rất khó với các tỉnh trong khu vực. Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, dân số của toàn tỉnh là trên 73 vạn, trong đó người trong độ tuổi lao động là 425.074...
LSO-Một trong những tiêu chí được đánh giá là rất khó đạt mà cho tới nay, thậm chí ngay cả một số địa phương đã thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng vẫn chưa đạt được, đó là tỉ lệ lao động qua đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mô hình chăn nuôi lợn nái của phụ nữ phường Tam Thanh
TP Lạng Sơn sau khi được đào tạo nghề – Ảnh: Thanh Huyền
Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thì đối với các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc (trong đó có Lạng Sơn), tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo phải đạt trên 20% và tỉ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là dưới 45%. Quả thực đây là một bài toán rất khó với các tỉnh trong khu vực. Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, dân số của toàn tỉnh là trên 73 vạn, trong đó người trong độ tuổi lao động là 425.074 người. Trong số đó, lao động ở khu vực nông thôn chiếm tới 82,95%. Trong những năm qua, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, cùng với chính sách đầu tư của tỉnh được triển khai thực hiện khá tốt đã tạo động lực mạnh cho giải quyết việc làm. Trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động. Số lao động qua đào tạo, tính đến hết năm 2012 chiếm tỉ lệ 37%. Nhưng đó chỉ là con số tổng quát, nếu bóc tách, thì tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo là rất thấp. Mặt khác số lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là khoảng 78%, cách rất xa so với tiêu chí. Ông Lê Quang Hồng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: trong những năm qua Phòng đã tích cực tham mưu cho ngành triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó bám sát vào nội dung, lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Công tác dạy nghề nhằm đào tạo 2 luồng lao động, thứ nhất là dạy nghề cho lao động phục vụ cho sản xuất tại chỗ, thứ 2 là tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn. Để có thể chuyển dịch được cơ cấu thì các ngành nghề đào tạo phải là phi nông nghiệp. Tuy nhiên nội dung này đối với Lạng Sơn rất khó thực hiện, bởi phần lớn kinh tế của tỉnh vẫn là nông, lâm nghiệp, việc giải quyết cho các lao động sau dạy nghề phi nông nghiệp là bài toán nan giải. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã tích cực trong việc khảo sát đánh giá nhu cầu lao động cũng như xu hướng phát triển để có sự định hướng đúng đắn và tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn. Ví dụ điển hình là trong năm 2012, Phòng dạy nghề, Sở LĐTB&XH đã tổ chức khá nhiều lớp dạy nấu ăn cho lao động nông thôn tại những địa phương gần trung tâm và giới thiệu những lao động này tới làm việc tại các nhà hàng, trường học bán trú, nội trú trên địa bàn. Ngoài ra các nghề thủ công, mỹ nghệ như mây tre đan, thêu ren cũng được chú trọng đào tạo và tạo bước chuyển rất tốt ở Chi Lăng, Hữu Lũng với gần chục lớp đào tạo. Theo lãnh đạo phòng Dạy nghề, thì 50% số học viên tại các lớp học này đã chuyển sang làm nghề đã được đào tạo, số còn lại chưa chuyển hẳn, nhưng cũng đã chuyển một phần. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện hình thức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, chủ yếu là các nghề tin học, nghề mộc, thủ công, mỹ nghệ, sửa chữa máy…Tuy số này chưa nhiều, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Còn lại phần lớn các lớp dạy nghề nông thôn hiện nay vẫn đang tiếp tục chú trọng vào kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Tuy những lớp dạy nghề này chưa thể tạo ra được ngay sự chuyển dịch cơ cấu lao động, nhưng lại tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo. Thực tế, trong giai đoạn này, loại hình đào tạo nghề này là rất hợp lý đối với tỉnh miền núi như Lạng Sơn. Từ việc nâng cao kỹ thuật canh tác sẽ làm tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và giải phóng sức lao động cho nhà nông, tạo nền tảng để lao động nông thôn chuyển dần sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, ngành LĐTB&XH đã bám sát lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, một mặt vẫn triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, mặt khác chú trọng tới các xã đã chọn phấn đấu hoàn thành nông thôn mới trong năm 2015, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo và cơ cấu lao động của các địa phương này tiến sát tới tiêu chí của nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()