Hoa Thanh Cung và những câu chuyện lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc
Tới thăm thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), du khách không nên bỏ qua Hoa Thanh Cung, một khu thắng cảnh, di tích gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử nổi tiếng.
Hoa Thanh Cung (tên gọi ban đầu là Thang Tuyền Cung) nằm cạnh chân núi Ly Sơn, cách thành phố Tây An khoảng 30km. Đây là thắng cảnh du lịch cấp 5A, là khu bảo tồn văn hóa, văn vật trọng điểm của Trung Quốc.
Hoa Thanh Cung vốn là cung điện ngoài thành trong suốt các triều đại Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường. Nơi đây đạt độ cực thịnh vào thời vua Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) khi ông cho xây dựng một quần thể cung điện, lầu son, gác tía rất tráng lệ và đổi tên thành Hoa Thanh Cung (còn gọi là Hoa Thanh Trì) để chiều lòng Dương Quý Phi – một trong “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc, người được ông hết mực sủng ái.
Sau khi xảy ra loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh (755-762), tình hình triều chính có nhiều thay đổi, vị thế của Hoa Thanh Cung nhanh chóng sa sút. Sau thời Đường, các đời hoàng đế tiếp theo rất ít khi đến nghỉ dưỡng ở Hoa Thanh Cung.
Mặc dù các vương triều sau này đều từng tiến hành trùng tu, nhưng cho đến trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới ra đời, Hoa Thanh Cung trở nên tương đối tiêu điều. Từ năm 1959, Hoa Thanh Cung được chính quyền địa phương tiến hành trùng tu, cải tạo, mở mang xây dựng với quy mô lớn.
Tại Hoa Thanh Cung hiện vẫn còn nhiều thắng cảnh, di tích hấp dẫn như bảo tàng di chỉ bể tắm hoàng gia thời Đường, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là hai bể tắm của vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, bảo tàng di chỉ vườn lê thời Đường, Ngũ gian sảnh, hồ Cửu Long và hồ Hoa Sen.
Bên cạnh đó, tại Hoa Thanh Cung còn có các quần thể kiến trúc mang tính biểu tượng như điện Phi Sương, điện Vạn Thọ, điện Trường Sinh, điện Vũ Vương. Ngoài ra, trên ngọn núi Ly Sơn nằm ở độ cao 1302m so với mực nước biển, cũng có nhiều di tích nổi tiếng như điện Lão Quân, Phong Hỏa Đài, Binh Gián đình, chùa Thạch Ông, cầu Ngộ Tiên.
Hoa Thanh Cung nổi danh tại Trung Quốc cũng như trên thế giới bởi nơi đây đã chứng kiến nhiều câu chuyện lịch sử nổi tiếng. Điển hình là câu chuyện Chu U Vương nổi lửa trêu chư hầu, mất thiên hạ vì nụ cười Bao Tự. Đây cũng là nơi gắn liền với Biến cố Tây An, một sự kiện diễn ra ngay trước Chiến tranh Trung-Nhật.
Tuy nhiên, câu chuyện đặc biệt nhất gắn với Hoa Thanh Cung là mối tình đầy lãng mạn nhưng cũng rất đỗi bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi.
Vì say mê Dương Quý Phi, Đường Minh Hoàng vốn tài hoa về nghệ thuật lại càng ra sức chiều chuộng bà, lao vào đàn ca hưởng lạc, bỏ bê chính sự, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao cho anh họ Quý Phi là Thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu.
Dương Quốc Trung lộng quyền, triều chính hỗn loạn, khiến dân chúng lầm than, xã tắc lụn bại, gây cớ cho tướng An Lộc Sơn dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi báu và người đẹp. Đường Minh Hoàng và triều thần phải bỏ kinh thành, chạy vào đất nhà Thục (Tứ Xuyên).
Đường lánh nạn đầy gian nan, hiểm trở, đến vùng Mã Ngôi Dịch, quân binh không chịu đi tiếp, buộc tội mối họa đó do Dương Quý Phi và anh em bà gây ra. Họ nổi loạn giết Thừa tướng Dương Quốc Trung, hai em gái của Dương Quý Phi rồi ép Đường Minh Hoàng phải hạ lệnh xử tử bà.
Mối tình bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi được truyền tụng trong dân gian, trở thành đề tài cho nhiều áng văn thơ thời đó cũng như các thể loại tranh, truyện, kịch, phim sau này. Trong đó, nổi bật nhất là tác phẩm “Trường Hận ca”, một tuyệt tác về mối hận tình muôn thuở dưới ngòi bút tài hoa của thi hào Bạch Cư Dị.
Dựa trên tác phẩm này, Tập đoàn du lịch Thiểm Tây đã đầu tư cả trăm triệu nhân dân tệ để xây dựng vở đại vũ kịch cảnh thực đầu tiên và được coi là hoành tráng nhất tại Trung Quốc, bắt đầu được biểu diễn tại Hoa Thanh Cung từ năm 2007 trong khoảng tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.
Vở vũ kịch này lấy ngọn Ly Sơn làm bối cảnh, hồ Cửu Long làm sân khấu, dùng cung điện, đình, hành lang, mặt hồ, liễu rủ làm điểm nhấn trang trí, kết hợp với các biện pháp công nghệ cao để tạo ra khung cảnh sống động./.
Ý kiến ()