Hòa Thắng phát huy nguồn vốn ưu đãi phát triển lâm nghiệp
(LSO) – Năm 2014, người dân xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp theo Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND (nay tiếp tục theo Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND). Từ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng cao theo hướng thiết thực, ổn định và bền vững.
Xã Hòa Thắng có 15 thôn, 1.896 hộ với hơn 7.500 nhân khẩu. Xã có hơn 4.000 ha đất lâm nghiệp (tất cả đã trồng rừng, không còn đất trống), chiếm 65% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, gần 3.000 ha rừng do nhân dân tự trồng, còn lại là rừng trồng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc.
Trước đây, người dân chủ yếu tập trung phát triển nông nghiệp như: làm ruộng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Sau này, khi Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc đóng trên địa bàn xã, một bộ phận người dân làm việc cho lâm trường. Từ đó, người dân được tiếp cận với nghề ươm cây giống lâm nghiệp và trồng rừng.
Người dân xã Hòa Thắng sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để trồng keo
Từ năm 2000, tận dụng tiềm năng đất lâm nghiệp, một số hộ dân bắt đầu trồng rừng. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, khi nhà nước giao đất, giao rừng cho nhân dân, phong trào trồng rừng trên địa bàn xã mới thực sự phát triển mạnh ở tất cả các thôn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Voi Xô, Bảo Đại 1, Bảo Đại 2, Đất Đỏ, Phú Hòa, Vạn Thắng.
Ông Nông Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về đất lâm nghiệp, Hòa Thắng xác định phát triển lâm nghiệp là mũi nhọn. Từ đó, ngay khi nắm bắt được chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển lâm nghiệp của tỉnh, xã tích cực tuyên truyền đến các thôn, bản để người dân nắm bắt chủ trương, đăng ký vay vốn. Sau đó, UBND xã trực tiếp làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để ngân hàng bố trí nguồn vốn. Khi dự án được phê duyệt, xã chọn lựa các hộ vay vốn theo đúng quy định, tiêu chuẩn, đảm bảo công khai, đúng quy trình, đối tượng vay.
Sau khi giải ngân, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng rừng của xã sẽ đi kiểm tra và hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn, đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; khuyến khích người dân chủ động ươm cây giống để phát triển kinh tế rừng.
Ông Phạm Văn Thanh, thôn Voi Xô cho biết: Trước đây, gia đình tôi phải vay vốn ở ngoài với lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn nên hiệu quả không cao vì chưa có thu nhập đã phải lo trả nợ. Năm 2014, từ chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển lâm nghiệp, tôi được vay 40 triệu đồng. Từ đó, gia đình có điều kiện duy trì, chăm sóc 2 ha keo. Năm 2017, thu hoạch từ rừng, trừ chi phí gia đình tôi thu nhập gần 300 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có tiền trả ngân hàng trước thời hạn và có thêm vốn để đầu tư, mở rộng diện tích rừng.
Không chỉ riêng gia đình ông Thanh, hầu như tất cả các hộ được vay từ nguồn vốn ưu đãi này đều phát huy hiệu quả. Rất nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ 100 đến 300 triệu đồng/năm như: hộ ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Voi Xô; hộ ông Lý Văn Đông, thôn Bảo Đại 2; hộ ông Đinh Văn Tiến, thôn Vạn Thắng; hộ ông Hoàng Văn Thượng, thôn xóm Mới; hộ ông Phạm Văn Hoàng, thôn xóm Chùa….
Được biết, từ năm 2014 đến nay, thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp, Hòa Thắng có gần 150 hộ dân được vay vốn với số tiền gần 15 tỷ đồng để đầu tư trồng, chăm sóc và phát triển gần 400 ha rừng.
Nhờ rừng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, với thu nhập bình quân của xã hiện nay là 25 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo còn 23,85%, giảm 13,85% so với năm 2016.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()