Hoa Thám: Đa dạng mô hình sản xuất để giảm nghèo bền vững
- Hoa Thám là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia. Những năm qua, xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bên cạnh sự chủ động của người dân, UBND xã căn cứ vào điều kiện thực tế, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Cùng đó, chính quyền xã tổ chức rà soát nhu cầu của người dân để hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức từ 5 đến 8 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức từ 3 đến 5 lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Cùng đó, UBND xã còn tuyên truyền, vận động người dân thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX gồm: HTX Lâm Thịnh Phát và HTX Phượng Hoàng và 9 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Đến nay, xã đã có 579 lượt hộ được vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện với tổng dư nợ trên 46,6 tỷ đồng.
Anh Hoàng Văn Huấn, thôn Tân Hoa chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có thu nhập ổn định, năm 2022, được sự hướng dẫn của cán bộ xã, tôi đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt với quy mô 50 con. Trong quá trình sử dụng vốn, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi để áp dụng vào thực tế. Hiện nay trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán từ 3 – 4 lứa lợn, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế từ chăn nuôi như gia đình anh Huấn, tận dụng tiềm năng từ đất rừng, xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhờ đó hiện nay trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn xã trồng mới được hơn 80 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng của xã lên trên 1.500 ha, với cây trồng chủ yếu như: quế, mỡ, keo, bạch đàn… Cùng với phát triển lâm nghiệp, đến nay, người dân toàn xã đã phát triển được trên 30 mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi lợn thịt (1.700 con); mô hình trồng cây bí xanh, bí đao, mướp đắng lấy hạt (4,6 ha); hồi hữu cơ (202,9 ha); mô hình trồng cây sa nhân tím (10 ha)…
Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Bình Gia cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hoa Thám đã luôn quan tâm, tuyên truyền, định hướng bà con triển khai hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo, góp phần vào thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung.
Có thể thấy, việc phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập của bà con trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 5,64%, giảm 20,2% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng 12,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2021.
Ý kiến ()