Hòa Sơn: Đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong mật
– Với lợi thế diện tích đồi rừng lớn, vườn cây ăn quả rộng, đa dạng các loại hoa, những năm gần đây, người dân xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong mật. Nhờ nuôi ong, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập cao, vươn lên làm giàu.
Những ngày đầu tháng 10/2021, cùng cán bộ xã Hòa Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Hoàng Văn Bắt, thôn Đoàn Kết. Ông Bắt cho biết: Tôi nuôi ong mật từ hơn 20 năm trước. Khi đó, tôi bắt ong mật tự nhiên về nuôi từ 3 đến 5 đàn, rồi tách đàn, mở rộng quy mô. Khi mới nuôi, tôi đã tìm hiểu kiến thức từ sách báo, tivi và những người nuôi trước, nhờ đó, tổng đàn ong của gia đình liên tục tăng.
Đến nay, gia đình ông Bắt có 175 đàn ong, mỗi năm, cho thu từ 500 đến 800 lít mật, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài bán mật, ông Bắt còn bán giống (bán đàn ong), bình quân mỗi năm gia đình bán từ 50 đến 80 đàn ong với giá từ 800 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng/đàn, tùy thời điểm. Nhờ đó, gia đình ông có thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm từ bán mật và đàn ong.
Người dân thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn kiểm tra đàn ong mật
Theo nhiều người dân nuôi ong tại đây cho biết, ban đầu chỉ 4 đến 5 hộ nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ từ 3 đến 5 đàn, nuôi theo phương pháp truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi ong mới thực sự phát triển mạnh, số đàn ong liên tục tăng. Vào mùa xuân, tại đây có rất nhiều loại hoa (hoa nhãn, hoa vải,..) nên người dân thường nuôi tại vườn nhà. Đến mùa thu, nhiều hộ mang ong đi gửi ở các xã như: Vân Thủy, Quan Sơn,… huyện Chi Lăng để duy trì lấy mật. Nhờ nguồn phấn hoa tự nhiên phong phú, đa dạng quanh năm nên sản phẩm mật ong nuôi của người dân có chất lượng đảm bảo, được nhiều khách hàng ở các tỉnh: Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh ưa chuộng.
Đến nay, toàn xã có 60 hộ nuôi ong ở 9/9 thôn với 815 đàn. Bình quân mỗi đàn ong cho thu từ 8 đến 10 lít mật/năm. Năm 2020, sản lượng mật ong toàn xã đạt trên 6.000 lít, bán với giá từ 200 đến 250 nghìn đồng/lít. Cùng với mật ong, hiện nay, nhiều hộ còn kết hợp bán đàn (bán ong giống) và dụng cụ nuôi ong cho các hộ mới bắt đầu “vào nghề” trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ 50 đến 80 triệu đồng/năm từ nuôi ong như: hộ ông Nguyễn Ngọc Trai, thôn Quyết Tiến; hộ ông Nông Văn Hậu, thôn Suối Trà…
Để mở rộng quy mô sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm ong mật, tháng 8/2021, 7 hộ nuôi ong trên địa bàn xã đã thành lập Tổ hợp tác Nuôi ong, thuộc Hợp tác xã Sản xuất, dịch vụ nông, lâm nghiệp xã Hòa Sơn (HTX). Ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc HTX cho biết: Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong, đồng thời, liên kết tiêu thụ, mở rộng sản xuất. Nhờ đó, đàn ong của các thành viên phát triển tốt, sản lượng mật ổn định và tăng đàn liên tục. Đến nay, tổ hợp tác đã tăng lên 12 thành viên.
Ông Phùng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Vài năm gần đây, khai thác tiềm năng thế mạnh diện tích đồi rừng, vườn cây ăn quả với đa dạng các loại hoa, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đang khuyến khích người dân tăng đàn, mở rộng phát triển. Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trong đó có kỹ thuật nuôi ong mật cho khoảng 300 lượt người. Mô hình nuôi ong mật trên địa bàn xã đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, sản phẩm mật ong đang được HTX Sản xuất, dịch vụ nông, lâm nghiệp xã Hòa Sơn hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) năm 2021. Qua đó, giúp các hộ dân nuôi ong yên tâm sản xuất, tiếp tục mở rộng quy mô, liên kết tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị để nghề nuôi ong phát triển bền vững.
Ý kiến ()