Hòa nhập cộng đồng cho trẻ có HIV/AIDS: Rào cản nhiều phía
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết giữa ba Bộ. |
– Mặc dù đã có nhiều quy định và chính sách được ban hành về việc chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhưng trên thực tế hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với các em vẫn đang xảy ra, đặc biệt trong giáo dục.
Tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ
Từ năm học 2006 – 2007, Trường Tiểu học Yên Bài B (Ba Vì, HN) bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ đặc thù là dạy học cho trẻ mồ côi và nhiễm HIV. Tính đến nay, việc dạy trẻ đặc thù đã là sáu năm và số trẻ nhiễm HIV có trong sĩ số nhà trường là 38 học sinh.
Tuy nhiên, thực tế, 38 học sinh này vẫn đang học tại hai lớp ghép ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số II. Hàng tuần, các em chỉ tham gia với các học sinh trường Yên Bài B trong một số hoạt động chung như: chào cờ hàng tuần, hoạt động phong trào ngày lễ lớn hay một số hoạt động sinh hoạt ngoại khóa.
Đại diện của trường Tiểu học Yên Bài cho biết, dù cả Ban giám hiệu nhà trường và các cấp lãnh đạo tại địa phương đã rất cố gắng để có được cái nhìn thông cảm của người dân, đặc biệt là các phu huynh có con đang theo học tại trường, nhưng việc đưa các em nhiễm HIV vào học tập hòa nhập với các em khác vẫn chưa đạt được mục đích.
“Tâm lý kỳ thị của cộng đồng đối với trẻ nhiễm HIV tuy đã có tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nặng nề ảnh hưởng nhiều đến việc trẻ hòa nhập cộng đồng”, cô Nguyễn Thị Phương (Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II, Ba Vì, Hà Nội) nói.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 84 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2012 ở Hà Nội hôm 17-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý thừa nhận, bên cạnh một số kết quả tích cực đã đạt được trong việc xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em có HIV/AIDS, việc triển khai Quyết định 84 trong ngành giáo dục vẫn còn có khó khăn.
Thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn chứng: Công tác phối hợp liên ngành triển khai thực hiện QĐ 84 tại một số cơ sở giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm HIV tại các địa phương chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ…
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, một số cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên về Luật Phòng chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế.
Trách nhiệm toàn xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm nhấn mạnh: “Trẻ em có quyền được sống, được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, trẻ em là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch HIV/AIDS. Những nhóm quyền cơ bản trên đều đã bị dịch tác động làm hạn chế, xấu đi, thậm chí mất đi những quyền mà đáng lẽ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phải được hưởng”.
Phó Thủ tướng khẳng định, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên trong các nhà trường là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục, mà còn là trách nhiệm của các bộ, ban ngành, đoàn thể và cha mẹ học sinh sinh.
Theo số liệu của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng 457.691 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó 64% được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chính sách xã hội theo quy định hiện hành, mới có 43% các em được cung cấp các dịch vụ chăm sóc tâm lý xã hội.
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác đảm bảo các quyền trẻ em, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp, đặc biệt vai trò của lãnh đạo nhà trường trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có giáo dục giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong các cơ sở giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Củng cố và hoàn thiện hệ thống thông tin, giám sát đánh giá tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để có số liệu chính xác, đưa ra các can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Ngay trong ngày 17.11, để tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được và khắc phục khó khăn vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ Ký kết Chương trình phối hợp về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2012-2020.
Ý kiến ()