Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ phá bỏ định kiến “dân thể thao"
Vừa qua, nữ vận động viên bóng chuyền kỳ cựu Phạm Thị Kim Huệ bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế của trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Chia sẻ với Báo Nhân Dân, Kim Huệ khẳng định, việc học và phát triển bản thân chính là yếu tố cốt lõi để làm chủ cuộc đời mình.
Nữ vận động viên/huấn luyện viên Phạm Thị Kim Huệ tại Lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ, hôm 19/9. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Phóng viên: Chị đã có những khó khăn gì trong quá trình học thạc sĩ? Chị đã vượt qua những trở ngại này như thế nào?
Kim Huệ: Đầu tiên, theo học chuyên ngành kinh tế với 1 người chơi thể thao như tôi là một điều hoàn toàn không hề đơn giản. Như mọi người có thể thấy, đây là 2 chuyên ngành hoàn toàn không liên quan đến nhau.
Khó khăn tiếp theo đó là đối với những người chơi thể thao, ngôn ngữ giao tiếp bình thường là đủ, nhưng với môi trường học thuật thì hoàn toàn là từ ngữ chuyên ngành. Vậy nên, bản thân tôi đã phải nỗ lực rất nhiều và tôi rất may mắn khi luôn nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô, bạn học và gia đình.
Phóng viên: Việc học đã đem đến cho chị những trải nghiệm như thế nào?
Kim Huệ: Với tôi, việc học không bao giờ là đủ. Nếu học có thể hỗ trợ cho công việc hiện tại và cuộc sống hằng ngày, thì mỗi khi có cơ hội và sắp xếp được thời gian, tôi luôn tham gia các khóa học mà tôi cảm thấy sẽ cải thiện bản thân, bởi nếu không, chúng ta sẽ trở nên lỗi thời và tôi không muốn mình bị tụt hậu.
Có một câu nói khiến tôi rất tâm đắc: “Những gì chúng ta biết trong ngày hôm nay ngày hôm sau sẽ lỗi thời. Nếu ngừng học tập thì chúng ta sẽ ngừng phát triển”.
Tập thể lớp thạc sĩ của chị Kim Huệ. |
Phóng viên: Chị đã nhận được những sự hỗ trợ như thế nào từ người thân, gia đình, bạn bè để theo đuổi việc học?
Kim Huệ: Tôi bắt đầu tham gia khóa học trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành và như mọi người biết đấy, khi dịch bệnh xảy ra thì mọi hoạt động hầu như hoàn toàn bị tê liệt. Khi đó, chúng ta mới thấy rằng, mình nên làm những điều mình muốn và có ý nghĩa, bởi không ai biết ngày mai sẽ ra sao và điều gì sẽ xảy đến với gia đình, bản thân mình.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi luôn có những người thân và những người bạn ở bên cạnh, giúp đỡ tôi về tinh thần và ý chí. Cùng với đó, tôi cũng phải cảm ơn rất nhiều các thầy cô, những người đã hỗ trợ, chỉ dẫn giúp tôi lựa chọn đúng chuyên ngành. Và tôi nghĩ, việc học này ít nhiều sẽ hỗ trợ cho công việc của tôi trong tương lai.
Phóng viên: Lý do gì khiến chị quyết định theo học bằng thạc sĩ Quản lý kinh tế?
Kim Huệ: Vào thời điểm cuối của sự nghiệp, tôi đã nhiều lần cân nhắc về hướng đi sau này. Sự nghiệp thể thao đối với tôi không chỉ là đam mê mà còn giúp tôi bảo đảm được cuộc sống, trở thành một người phụ nữ độc lập tài chính và có khả năng nuôi con. Nhưng khi đã giải nghệ và quyết tâm theo nghiệp huấn luyện viên, tôi cần phải có thêm những nền tảng khác, đó chính là kiến thức và học vấn.
Sau khi tham khảo ý kiến của các đàn anh, đàn chị và bạn bè, tôi quyết định lựa chọn ngành Quản lý kinh tế, bởi những kỹ năng và kiến thức trong ngành này sẽ giúp tôi bồi đắp được khả năng lãnh đạo và tư duy chiến lược.
Phạm Thị Kim Huệ bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế. |
Gần đây, tôi có xem một bộ phim tài liệu trên Netflix về diễn viên “Kẻ hủy diệt” Arnold Schwarzenegger. Có một đoạn tôi rất tâm đắc khi Schwarzenegger trích lại câu nói của người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, nhà leo núi đại ý nói rằng, khi ông leo lên đỉnh của ngọn Everest, ông đã hình dung trong đầu về cách chinh phục đỉnh núi tiếp theo.
Gắn bó lâu năm với ngành thể thao, tôi thấu hiểu những thiệt thòi mà các nữ vận động viên phải trải qua. Từ chấn thương, cho tới hạnh phúc riêng tư đều phải san sẻ với sự nghiệp, đó là chưa kể những định kiến của nhiều người dành cho “dân thể thao”.
Khi đã quyết định nghỉ thi đấu chuyên nghiệp và chuyển sang công tác huấn luyện, tôi muốn bản thân mình sẽ trở thành một hình mẫu huấn luyện viên hiện đại, vừa vững kiến thức chuyên môn, vừa có các kỹ năng quản lý tập thể.
Ngoài ra, cá tính mạnh mẽ càng khiến tôi muốn thay đổi định kiến của nhiều người rằng, các vận động viên hiện đại sau khi bước sang chương mới sẽ vẫn có cơ hội để phát triển bản thân, vẫn có khao khát chinh phục các cột mốc mới trong cuộc đời.
Do đó, tôi lựa chọn ngành kinh tế để theo học, bởi kiến thức của ngành này bổ trợ rất nhiều cho các kỹ năng tôi còn thiếu và tạo dựng thêm mạng lưới quan hệ của mình.
Phóng viên: Tại sao chị chọn trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội để lấy bằng?
Kim Huệ: Khi tôi đặt vấn đề cần một cơ sở đào tạo các kiến thức kinh tế uy tín, phù hợp với khả năng bản thân, chính nhờ sự tư vấn của người quen lâu năm đã kết nối và giúp tôi biết được khóa học tại trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên: Sau khi đã hoàn thành bằng học, chị sẽ trở về công tác huấn luyện viên hay theo đuổi ngành nghề mới?
Kim Huệ: Khóa học thạc sĩ đã giúp tôi có thêm nhiều kỹ năng và kiến thức mới, bên cạnh đó tôi tự tin hơn, mở rộng được nhiều mối quan hệ hơn. Tôi chưa vội vã lựa chọn ngã rẽ mới trong sự nghiệp mình, nhưng cũng không ngại tìm kiếm những thử thách, cơ hội mới.
Đến nay, tôi mới bảo vệ xong chứ chưa nhận bằng. Tôi đăng lên trang cá nhân để chia sẻ niềm vui với gia đình, bạn bè và thầy cô để chia vui với mình sau những năm tháng cố gắng nỗ lực của bản thân chứ không phải mục đích khoe bằng. Với Kim Huệ, chiến thắng bản thân mới là quan trọng nhất!
Đây cũng là thông điệp và động lực mà tôi muốn truyền tải đến tất cả các thế hệ vận động viên trẻ bây giờ, hãy làm chủ cuộc sống theo ý mình, hãy luôn cố gắng và phấn đấu để có một tương lai tươi sáng!
Nguồn:https://nhandan.vn/hoa-khoi-bong-chuyen-kim-hue-pha-bo-dinh-kien-dan-the-thao-post773787.html
Ý kiến ()