Hòa giải viên -Những người “vác tù và hàng tổng”
(LSO) – Là những người dùng kiến thức pháp luật, khả năng thuyết phục, vận động để giúp các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận. Lực lượng hòa giải viên (HGV) đã và đang làm công việc “vác tù và hàng tổng”, góp phần đem mùa xuân bình yên đến mọi nhà.
Không kể thời gian, các HGV có mặt kịp thời trong các tranh chấp của người dân, để hoá giải mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư. Tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt thường ngày, cãi vã vụn vặt, nhưng không được can thiệp kịp thời thì “cái sảy nảy cái ung”, không ít trường hợp từ tranh chấp dân sự dẫn đến phạm tội hình sự. Ông Hoàng Văn Thạo, tổ viên tổ hòa giải thôn Khòn Chả, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình chia sẻ: Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở (HGOCS), việc đầu tiên cần phải xoa dịu cảm xúc của các bên tranh chấp, khi hai bên thực sự bình tĩnh mới có thể tiến hành hòa giải. Khi giải quyết mâu thuẫn chúng tôi phân tích kỹ càng, chỉ ra cái đúng cái sai của từng người, đưa ra phương án hợp lý nhất cho đôi bên, từ đó giữ gìn hạnh phúc gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.029 tổ hòa giải với 13.112 HGV. HGV đã được kiện toàn kịp thời sau khi sáp nhập thôn, khối phố, mỗi tổ hòa giải có từ 3 đến 5 hòa giải viên, trong đó có HGV nữ và đại diện các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. HGV là những người có hiểu biết pháp luật, có uy tín trong cộng đồng, phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục, đại diện cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tự nguyện tham gia làm công tác HGOCS.
Các hoà giải viên xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc nghiên cứu tài liệu trong hội nghị tập huấn công tác hoà giải ở cơ sở
Xã hội phát triển, tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra ngày càng đa dạng và phức tạp. Đòi hỏi hiểu biết về pháp luật và kỹ năng của HGV cũng phải được nâng cao. Do đó, hằng năm Sở Tư pháp đều phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho đội ngũ này. Riêng năm 2019, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức 16 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác HGOCS cho hơn 2.976 lượt người tham dự. Bà Bế Thị Sư, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Bản Chang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định cho biết: Qua tập huấn tôi được cung cấp những thông tin, kiến thức pháp luật cơ bản, đặc biệt chúng tôi được trau dồi kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác HGOCS của thôn, do đó nhiều năm tỷ lệ hòa giải thành của thôn đều đạt trên 80%.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của lực lượng HGV, trong năm 2019, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 1.675/2.317 vụ việc, đạt tỉ lệ 72,3%, tăng 3,25% so với năm 2018. Trong đó một số huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Bắc Sơn 88,8%; Lộc Bình 80,1%; Hữu Lũng 77,9%… Nội dung hòa giải chủ yếu là những tranh chấp trong nội bộ nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân và gia đình… Thông qua hoạt động HGOCS, không chỉ giải quyết mâu thuẫn kịp thời, mà các HGV còn là những tuyên truyền viên phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đến đông đảo người dân.
Ghi nhận nỗ lực, kết quả của các cá nhân, tập thể trong công tác HGOCS, tháng 7/2019, tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật HGOCS đã có 9 tập thể, 10 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 10 tập thể, 11 cá nhân được giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật HGOCS. Đây là động lực để thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HGOCS.
Ông Dương Công Luyện, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo sở tổ chức tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ cho các HGV, đẩy mạnh và nhân rộng hoạt động của các tổ hòa giải tiêu biểu. Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” của Thủ tướng Chính phủ, qua đó phát huy vai trò của lực lượng HGV, tạo chuyển biến toàn diện trong công tác HGOCS, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới, giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết. Qua đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Quyền của hòa giải viên theo Luật Hoà giải ở cơ sở 1. Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. 2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải. 3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải. 4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải. 5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải. 6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. 7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải. 8. Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải. |
Những câu chuyện của hòa giải viên
(LSO) – Nhờ có sự nhiệt tình, kinh nghiệm cùng kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực tư pháp và thực tiễn, các hòa giải viên đã tham gia hòa giải nhiều vụ phức tạp, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, vốn chứa đựng nhiều yếu tố tế nhị.
Ông Trần Minh Bảo, Tổ trưởng Tổ Hòa giải khối phố Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn: “Mâu thuẫn vợ chồng không phải lúc nào cũng xuất phát từ cơm, áo, gạo, tiền”.
Bạo lực gia đình luôn là một trong những vấn đề khiến các hòa giải viên cơ sở bận rộn, đau đầu nhất. Hơn 20 năm làm công tác hòa giả ở cơ sở, tôi nghiệm ra một điều: mâu thuẫn vợ chồng không phải lúc nào cũng xuất phát từ lý do kinh tế, từ vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Câu chuyện của gia đình anh N.V.S (khối Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn) là một minh chứng. Vợ chồng anh N.V.S đều là cán bộ, viên chức nhà nước, có hai con đang học cấp hai, thế nhưng thường xuyên mâu thuẫn, cãi cọ, có lúc còn xô xát. Các hòa giải viên trong tổ đã tham gia hòa giải nhiều lần xong tình trạng đó vẫn tái diễn. Cuối năm 2008, trong lúc vợ chồng anh S xảy ra xô xát, tôi đã trực tiếp đến hòa giải. Sau khi nghe hai vợ chồng trình bày tôi nhận thấy mâu thuẫn của vợ chồng xuất phát từ những nguyên nhân rất vụn vặt. Qua quan sát nhà cửa, tôi mới hiểu rằng thực chất mâu thuẫn lặp đi lặp lại của hai vợ chồng là do thiếu thốn tình cảm, các con đã lớn nhưng vẫn ngủ chung cùng bố mẹ khiến cho hai vợ chồng không có cơ hội được gần gũi nhau. Do đó, tôi đã phân tích và khuyên gia đình lợp lại mái cho gian nhà phía sau làm phòng riêng cho hai con với lý do “các con lớn rồi phải có phòng riêng và phòng của các con phải xa phòng khách thì mới có không gian yên tĩnh để tập trung học hành”. Vợ chồng anh N.V.S thấy tôi nói có lý, nghe theo và mua tôn về lợp lại mái nhà, làm thêm phòng cho các con. Từ đó trở đi, gia đình anh N.V.S yên ổn, hạnh phúc.
Ông Lê Văn Thân, công an viên, hòa giải viên thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng: “Mâu thuẫn vợ chồng thường xảy ra ban đêm, dù khó đến đâu vẫn phải hàn gắn”.
Do tâm lý ngại ngần “đóng cửa bảo nhau” nên phần lớn các mâu thuẫn gia đình thường xảy ra lúc nửa đêm, khi không tự giải quyết được thì họ mới nhờ đến tổ hòa giải cơ sở. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của gia đình anh H.V.K xảy ra vào tháng 4/2018. Khoảng 12 giờ đêm, tôi nhận được điện thoại của người nhà anh H.V.K báo về việc vợ chồng anh H.V.K mâu thuẫn, vợ bị chồng đánh, phải đi viện cấp cứu. Việc anh K. đánh vợ đã diễn ra nhiều lần. Vì không chịu được cảnh này, hai bên nội ngoại chấp thuận cho vợ chồng anh H.V.K ly hôn.
Sau khi lắng nghe người thân của gia đình trình bày rõ nguyên nhân sự việc, với kinh nghiệm gần 20 năm công tác, tôi đã phân tích giải thích cặn kẽ cho anh H.V.K hiểu về vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong hôn nhân, để anh nhận ra sai sót của mình và hướng dẫn anh, gia đình hai bên cùng tìm cách giải quyết những vấn đề dẫn đến mâu thuẫn. Mặt khác, tôi đã phối hợp với cán bộ chi hội phụ nữ thôn đến thăm hỏi, động viên vợ anh H.V.K. Sau đó vợ chồng anh đã quay lại chung sống hòa thuận, cùng nhau làm ăn, nuôi dạy con cái.
Ý kiến ()