Hòa giải tốt góp phần đảm bảo an ninh trật tự
LSO-Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn được các cấp, ngành, đội ngũ hòa giải viên tích cực thực hiện, đã hoá giải được phần lớn những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở huyện Tràng Định tham gia
tập huấn kiến thức về công tác hoà giải
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.850 tổ hòa giải ở các thôn bản, khu phố (giảm 463 tổ so với trước đây do sáp nhập đơn vị hành chính), với hơn 11.000 hòa giải viên. Thành viên tổ hòa giải gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khối phố, trưởng các chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng.
Hằng năm, các các tổ hòa giải thường xuyên được kiện toàn về tổ chức, lực lượng. Thêm vào đó, các cấp, ngành đều phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, trao đổi kỹ năng cho các hòa giải viên. Đơn cử, từ năm 2019 đến nay, ngành tư pháp các cấp đã phối hợp tổ chức được trên 20 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; ngành tòa án tổ chức 2 hội thảo khoa học chuyên đề trao đổi kỹ năng, phương pháp tiến hành hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên và những người làm công tác hòa giải ở cơ sở…
Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng phổ biến giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức mới, công tác tập huấn cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở những năm gần đây thiên về trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp hòa giải, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Qua đó, giúp họ ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác…
Chia sẻ sau cuộc tập huấn, ông Hoàng Văn Chiến, tổ trưởng Tổ hòa giải khối 3, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua tập huấn, tôi được cập nhật thêm kiến thức, học hỏi thêm kỹ năng từ những người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác này. Qua đó, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác, tỷ lệ hòa giải thành công năm sau luôn cao hơn năm trước.
Cũng như ông Chiến, từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn đã hòa giải thành công trên 1.800 vụ việc, chiếm hơn 70% số vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng, tăng hơn 3% so với năm 2018. Việc hòa giải kịp thời, dứt điểm đã ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, phòng ngừa hậu quả, hiểm họa do mâu thuẫn âm ỉ trong nhân dân.
Đáng chú ý, khi hòa giải, hòa giải viên đã dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư, tình cảm của các bên và quy định của pháp luật để giải thích, giúp họ hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình để dàn xếp ổn thỏa với nhau.
Ông Lương Đình Tuyển, Trưởng khối, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu Trần Đăng Ninh, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Trong thực tế thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi người làm công tác hòa giải phải nắm được bản chất vụ việc, khéo léo vận động, thuyết phục. Ví như đối với những vụ mâu thuẫn giữa thanh niên, cần lựa chọn người có tuổi ra phân xử, giải thích, vừa hòa giải và vừa uốn nắn, giáo dục; đối với mâu thuẫn vợ chồng, nhất là vợ chồng có tuổi, cần lựa chọn địa điểm, thời gian hòa giải hợp lý để giữ thể diện cho họ, dần dần hàn gắn tình cảm… Từ năm 2014 đến nay, ngoài hòa giải thành công 36 vụ việc, các thành viên trong tổ đã phối hợp tuyên truyền pháp luật cho 5.800 lượt người dân.
Có thể khẳng định, việc làm tốt công tác hòa giải đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư kiếu nại vượt cấp, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ý kiến ()