Hóa giải thách thức, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, bức tranh phát triển của khu vực này ngày càng có nhiều gam màu sáng.
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ngày 13/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp.
Được tổ chức trong bối cảnh cả nước bước vào năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, Hội nghị một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển khu vực này.
Trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức rất lớn, ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, cát, tài nguyên… bất hợp lý, thiếu bền vững cả trong nước và thượng nguồn sông Mekong, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể khẳng định nội dung Nghị quyết rất đúng, trúng và điều quan trọng là Nghị quyết đã đi vào thực tế cuộc sống, được triển khai đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo, biến các chương trình, kế hoạch thành các hành động cụ thể.
Việc ban hành Nghị quyết số 120 của Chính phủ vào tháng 11/2017 là một cột mốc, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển dần sang mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên.”
Nghị quyết đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự thay đổi cực đoan về thời tiết và xâm nhập mặn đã trở thành tình trạng “bình thường mới” của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết cũng tạo bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Thực tiễn, 3 năm triển khai Nghị quyết số 120 đã thay đổi toàn diện bộ mặt Đồng bằng sông Cửu Long. Bức tranh phát triển Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.
Việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững. Sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện. Định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển.
Một số cơ chế, chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được khẩn trương hoàn thành.
Thông qua Nghị quyết, người dân và cơ quan chức năng đã xác định việc sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.
Bằng chứng là đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020, nhờ phân vùng, chuyển đổi sản xuất đã giảm được thiệt hại. Riêng diện tích lúa chịu ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%).
Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.
Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước, tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới).
Năm 2020, nông dân và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp quan trọng vào thành công xuất khẩu gạo của cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước).
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 335.400ha cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa… Nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD.
Riêng tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 928,150 triệu USD, tăng 4,29% so với năm 2019, riêng gạo thu về 270 triệu USD, tăng 18,6% so với 2019. Những thành quả nêu trên nhờ tận dụng lợi thế của vùng, tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, cũng như tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Bên cạnh đó, 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn đảm bảo cho 191.000 hộ dân, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long được sống an toàn, ổn định và từng bước phát triển bền vững.
Những kết quả đã đạt được là đáng mừng, nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “không được kể công” mà phải xác định rất nhiều nhiệm vụ phải làm thời gian tới. Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc Đối thoại 2045 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, để tìm giải pháp đưa vùng phát triển thịnh vượng cùng đất nước.
Đại diện nhóm đối tác phát triển công tác về Đồng bằng sông Cửu Long, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển.
Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với gần 20 triệu người dân vùng đồng bằng, mà đối với cả nước, như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng.
Chia sẻ về những thách thức to lớn cần đối mặt trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 thời gian tới, bà Carolyn Turk nói: “Với tư cách là đối tác phát triển, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Dù thời gian triển khai Nghị quyết chưa dài nhưng những kết quả ban đầu một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu.
Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ nhưng sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã, đang và sẽ góp phần chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới./.
Ý kiến ()