Hòa giải ở cơ sở huyện Lộc Bình: Biện pháp thiết thực nâng cao chất lượng
(LSO) – Khi nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác hòa giải ở cơ sở thì huyện Lộc Bình đã có nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải với tỷ lệ hòa giải thành công năm 2019 đạt 81,1% (tỷ lệ bình quân toàn tỉnh là 72,3%).
Để nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức được 2.102 cuộc tuyên truyền, phổ biến cho gần 155.000 lượt người nghe; phát sóng được 3.696 lượt với 103 tin, bài, phóng sự; cấp phát 53.354 các loại tài liệu, tờ gấp, sách tuyên truyền pháp luật.
Tổ trưởng Tổ hòa giải khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về nội dung của quy ước, hương ước khu phố
Đi đôi với PBGDPL, UBND các xã, thị trấn đã quan tâm kiện toàn các tổ hòa giải thôn, khu phố. Năm 2019, sau khi sáp nhập các khu, thôn, UBND các xã, thị trấn đã kiện toàn được 23 tổ hòa giải, 114 hòa giải viên tại các thôn, khu phố. Đến nay, 100% khu, thôn có tổ hòa giải với tổng số 263 tổ, 1.604 thành viên.
Để củng cố kiến thức, kỹ năng hoạt động của các hòa giải viên, năm 2019, UBND huyện đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho các công chức tư pháp – hộ tịch của 22 xã, thị trấn và hơn 110 hòa giải viên. Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Bản Lầy, xã Khánh Xuân cho biết: Thành viên các tổ hòa giải thường xuyên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức để tiếp thu kiến thức pháp luật mới cũng như có thêm kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Nhờ đó, các vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật, hạn chế được đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên gắn công tác hoà giải ở cơ sở với các phong trào tại cộng đồng dân cư, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chủ động phối hợp làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn, khu phố. Do đó, công tác hoà giải ở cơ sở luôn được sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở. Bất cứ khi nào các tổ hòa giải cần thì các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn đều hỗ trợ kịp thời.
Nhờ đó, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện luôn được thực hiện tốt với tỷ lệ hòa giải thành công cao hơn so với mức bình quân chung của toàn tỉnh. Năm 2019, các tổ hòa giải các khu, thôn của các xã, thị trấn trong huyện đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 335/335 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 272 vụ việc, đạt 81,1%. Một số xã có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Ái Quốc đạt 100%; Lợi Bác đạt 88,4%; Hữu Lân đạt 87%…
Ông Lương Văn Chầm, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, cơ quan thường trực là Phòng Tư pháp huyện tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ hoà giải ở cơ sở với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, đồng thời tăng cường triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải thông qua nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng để từng bước đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân, góp phần tăng cường xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ý kiến ()