Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Giải quyết tranh chấp, giảm tải áp lực
– Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Sau hơn 2 năm thi hành, Luật HGĐT tại tòa án đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, giảm số lượng các vụ án phải đưa ra xét xử, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tháng 12/2022, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Chi Lăng tiếp nhận đơn khởi kiện của bà V.T.H, khu Hữu Nghị, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng về việc tranh chấp quyền sử dụng đất với ông V.V.V, là anh trai ruột của bà H. Xét thấy đơn đủ điều kiện hòa giải, TAND huyện đã gửi thông báo cho nguyên đơn lựa chọn hình thức HGĐT và hòa giải viên. Sau nhiều lần hòa giải, đến tháng 3/2023, vụ việc được hòa giải thành công, tranh chấp được giải quyết, không phải đưa ra xét xử. Bà Trần Thị Hoa, hòa giải viên, TAND huyện Chi Lăng (người tham giam giải quyết vụ việc trên) cho biết: Để hòa giải thành công, tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hai bên. Trong quá trình hòa giải, tôi vận dụng các quy định của pháp luật cũng như lý lẽ, tình cảm gia đình khi hai anh em tranh chấp đất đai do bố mẹ để lại. Đồng thời, cho hai bên thỏa thuận đền bù xứng đáng, để mâu thuẫn được giải quyết triệt để.
Hòa giải viên TAND huyện Cao Lộc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, cập nhật kiến thức pháp luật
Trên đây là một ví dụ về vụ việc được hòa giải thành tại tòa án. Hòa giải, đối thoại tại tòa án thành công giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Chị H.T.N, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng cho biết: Tháng 3/2023, tôi tham gia buổi hòa giải để thống nhất các thỏa thuận việc ly hôn và nuôi con khi ly hôn. Sau khi bày tỏ rõ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng của mình, hòa giải viên đã phân tích, đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Trên cơ sở đó, tôi và chồng cũ thống nhất được các nội dung tranh chấp ngay từ lần hòa giải đầu.
Theo chỉ tiêu cấp trên giao, năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành của cấp tỉnh là 10%, cấp huyện là 55%. Ông Phùng Đức Chính, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật HGĐT tại tòa án, TAND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, TAND hai cấp đã thực hiện tốt công tác phổ biến Luật HGĐT tại tòa án và các văn bản quy định chi tiết thi hành đến 100% cán bộ, công chức, phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho hòa giải viên…
Xác định đội ngũ hòa giải viên có vai trò quan trọng, do đó TAND hai cấp đã chú trọng xem xét, lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm hòa giải viên theo quy định của luật để tập huấn, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm hòa giải viên. Nguồn lực này chủ yếu là cán bộ công tác tại tòa án về hưu, luật sư, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, là người có uy tín, kinh nghiệm, am hiểu pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 hòa giải viên tại tòa án, hằng năm, 100% hòa giải viên đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ hòa giải.
Cùng với đó, TAND hai cấp chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác HGĐT tại tòa án như: phòng hòa giải, đối thoại; sổ sách, biểu mẫu; máy tính phục vụ công tác hòa giải đối thoại; kinh phí cho hòa giải viên… Đồng thời, TAND tỉnh ghi nhận các ý kiến phản ánh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật HGĐT tại tòa án. Trên cơ sở đó, đơn vị báo cáo TAND tối cáo để chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng thời đề xuất những điểm cần sửa đổi để TAND tối cao kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét.
Bên cạnh đó, TAND tỉnh chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật HGĐT tại tòa án. Từ năm 2021 đến nay, TAND tỉnh đã biểu dương, khen thưởng chuyên đề về HGĐT cho 2 tập thể, 28 cá nhân.
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Chánh án phụ trách TAND huyện Cao Lộc cho biết: Trong những năm gần đây, các vụ việc dân sự TAND huyện Cao Lộc thụ lý, giải quyết ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Do đó, ngay từ khi thực hiện Luật HGĐT tại toà án, chúng tôi đã quan tâm bố trí cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ nhiệm vụ này. Hiện nay, TAND huyện có 4 hòa giải viên. Trong quá trình thực hiện HGĐT chúng tôi đã chỉ đạo thẩm phán và hòa giải viên phối hợp nghiên cứu nội dung các vụ, việc; đưa ra phương thức hợp lý nhằm đạt được kết quả cao. Đơn cử riêng 6 tháng đầu năm 2023 (tính từ ngày 31/10/2022 đến ngày 31/3/2023), hòa giải viên TAND huyện giải quyết 95/165 đơn, đạt 57,6%, trong đó hòa giải thành 28 đơn (đạt gần 30%).
Với giải pháp cụ thể trong thi hành Luật HGĐT tại tòa án, công tác này ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Qua đó, tỷ lệ chuyển đơn sang HGĐT và tỷ lệ HGĐT thành ngày càng tăng lên. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp trong tỉnh chuyển 729/1.548 đơn khởi kiện đã tiếp nhận qua HGĐT, đạt 47%. Hòa giải viên TAND hai cấp giải quyết 644/729 đơn, đạt 88,3% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, hòa giải thành 266 đơn, đạt 41,3% (tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 31,3% so với chỉ tiêu giao của năm 2023).
Ý kiến ()