Hóa đơn tính cước taxi: Nước đến chân mới nhảy
LSO- Từ ngày 1/1/2017, quy định về xử phạt đối với cá nhân, tổ chức sử dụng xe taxi chở khách không có thiết bị in hóa đơn tính cước chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn Lạng Sơn mới có hơn 70% xe taxi lắp thiết bị in hóa đơn và nhiều hành khách còn khá thờ ơ với chính quyền lợi của mình khi di chuyển bằng phương tiện này.
Hành khách thờ ơ
Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Đối với xe taxi, việc bắt buộc phải có hóa đơn tính cước được quy định rõ tại Nghị định 86 ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Nếu như trước đây, khách hàng đi taxi chỉ dựa trên đồng hồ tính cước để thanh toán cước, thì nay, với hóa đơn tính cước taxi, hành khách còn có thể sử dụng nó để khiếu nại về chất lượng dịch vụ hay tình trạng gian lận cước. Thiết bị in hóa đơn được kết nối với đồng hồ tính cước, sau khi kiểm định sẽ được dán tem niêm phong. Hóa đơn hiển thị rõ tên, địa chỉ của hãng taxi, biển số xe, thời gian, quãng đường di chuyển, giá cước… Do vậy, khách hàng có thể phản ánh kịp thời nếu có vấn đề phát sinh.
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tỉnh kiểm định đồng hồ tính cước trên xe taxi
Tuy nhiên, nhiều hành khách vẫn chưa quan tâm đến quyền lợi này của mình. Chị Nguyễn Thu Quyên, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mình đi taxi khá thường xuyên nhưng chưa bao giờ yêu cầu lái xe đưa hóa đơn. Đi hết bao nhiêu tiền thì nó hiện trên đồng hồ cước rồi, cứ thế mà thanh toán. Còn chị Trịnh Hồng Hạnh, phường Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Cách đây vài ngày, đi taxi, tôi cũng có hỏi hóa đơn nhưng lái xe cho biết lắp thiết bị rồi thấy vướng quá, với lại chẳng khách nào yêu cầu nên anh ấy cất đi, thế là tôi cũng thôi không đòi hóa đơn nữa.
Doanh nghiệp chần chừ
Không chỉ bảo vệ quyền lợi của khách hàng, việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn tính cước cũng mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Thống, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Taxi Lạng Sơn cho biết: Công ty hiện có gần 20 đầu xe, 100% các xe đều đã lắp thiết bị in hóa đơn tính cước. Điều này giúp công ty quản lý được tài chính, quản lý đội ngũ lái xe, kịp thời nhắc nhở chấn chỉnh lái xe.
Theo quy định tại Nghị định 86, từ ngày 1/7/2016, xe taxi bắt buộc phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền, song không phải tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải nào cũng nhận thức và chấp hành nghiêm. Bà Trần Bích Diệp, Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Sở đang quản lý 16 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi với 772 xe. Thực hiện Nghị định 86, sở đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi chấp hành nghiêm quy định. Tuy nhiên, đến hết ngày 6/1/2017, mới có 575 xe đã lắp thiết bị in hóa đơn (chiếm 74,5%).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết do quy định xử phạt đến ngày 1/1/2017 mới có hiệu lực nên các doanh nghiệp còn chần chừ, lần khất việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn. Thêm vào đó, chi phí lắp đặt thiết bị này cũng không nhỏ. Anh Văn Phúc, lái xe hãng taxi H.H cho biết: Chi phí lắp thiết bị in hóa đơn và đồng hồ tính cước khoảng 1,8 triệu đồng. Cho nên chỉ đến thời điểm ngành chức năng tiến hành xử phạt, các xe mới đổ xô lắp đặt.
Theo bà Trần Bích Diệp, tới đây, Sở GTVT tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi lắp đặt thiết bị in hóa đơn tính cước đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định này của các đơn vị nhằm đưa hoạt động vận tải trên địa bàn đi vào nền nếp.
BẢO VY
Ý kiến ()