Hoa độc và trái đắng của "Mùa xuân A-rập"
Sau một cuộc xung đột ở thành phố Hôm-xơ, Xy-ri. Ảnh AP. Cách đây hơn một năm, sự kiện người bán hàng rong Tuy-ni-di tự thiêu đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình ở nhiều quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Được sự "cổ vũ" và đạo diễn từ bên ngoài, một lực lượng đám đông, nhất là giới trẻ ở khu vực này, coi đây là thời điểm để họ thể hiện khát vọng về quyền tự do, dân chủ. Truyền thông phương Tây gọi đây là "Mùa xuân A-rập", thậm chí còn cho rằng đây tương tự "sự kiện phá vỡ bức tường Béc-lin" ở châu Âu. Song, Trung Đông và Bắc Phi đang bị cuốn vào khủng hoảng, rối ren và chia rẽ.Từ hân hoan đến lo ngạiKhởi đầu, phong trào biểu tình chống chính phủ từ Tuy-ni-di lan nhanh sang các nước Ai Cập, Li-bi, tiếp đến Xy-ri, Cô-oét, Y-ê-men, Ba-ren..., như một hiệu ứng đô-mi-nô, lật đổ những chế độ, tưởng chừng đã ăn sâu bám rễ trong xã hội A-rập. Trong vòng chưa đầy một năm, nhà lãnh đạo Tuy-ni-di B.A-li, Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc và Tổng thống Li-bi...
Sau một cuộc xung đột ở thành phố Hôm-xơ, Xy-ri. Ảnh AP. |
Từ hân hoan đến lo ngại
Khởi đầu, phong trào biểu tình chống chính phủ từ Tuy-ni-di lan nhanh sang các nước Ai Cập, Li-bi, tiếp đến Xy-ri, Cô-oét, Y-ê-men, Ba-ren…, như một hiệu ứng đô-mi-nô, lật đổ những chế độ, tưởng chừng đã ăn sâu bám rễ trong xã hội A-rập. Trong vòng chưa đầy một năm, nhà lãnh đạo Tuy-ni-di B.A-li, Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc và Tổng thống Li-bi M.Ca-đa-phi bị lật đổ. Tổng thống Y-ê-men A.Xa-lê, dưới sức ép của lực lượng đối lập và các nước vùng Vịnh, đã phải chọn con đường rời bỏ chính trường, chuyển giao quyền lực. Mặc dù các nước này đã thành lập chính quyền mới và tiến hành tổng tuyển cử, song lại đối mặt những khó khăn không thể lường trước. Người dân các nước này băn khoăn là liệu các nhà lãnh đạo mới có mang dấu ấn quá khứ hay không, các chính quyền mới làm thế nào để nhanh chóng thiết lập các thể chế cần thiết cho xã hội nhằm đáp ứng mong muốn thực thi cải tổ dân chủ, ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế.
Tâm trạng phấn khởi và vui mừng của người dân khi các chế độ cũ bị lật đổ đã nhường chỗ cho những thất vọng, sự bất bình và lo ngại. Dù Tuy-ni-di dường như trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực khá suôn sẻ sau cuộc bầu cử, thì ở Ai Cập, Y-ê-men và Li-bi vẫn đang trong cơn vật lộn tìm cách thức phân chia quyền lực, các phe phái tranh giành quyền kiểm soát đất nước, xã hội chia rẽ, đất nước bị tàn phá bởi xung đột, kinh tế suy giảm. Tại Y-ê-men, Tổng thống A.Xa-lê phải từ chức sau hơn ba thập kỷ nắm quyền. Tại Ai Cập, một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong khối A-rập, người dân cho rằng “cuộc cách mạng” của họ bị đánh cắp và dang dở, bởi những người hiện đang nắm quyền là Hội đồng quân sự tối cao (SCAF) vẫn là “cái bóng” của cựu Tổng thống Mu-ba-rắc. Lúc đầu, khi SCAF điều hành đất nước, người dân Ai Cập hân hoan, kỳ vọng lực lượng này nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Song, mặc dù cuộc bầu cử QH ở Ai Cập đã được tổ chức, cuộc bầu cử tổng thống cũng đang chuẩn bị diễn ra, nhưng SCAF vẫn kiểm soát chính phủ. Sau một năm diễn ra cuộc nổi dậy, cựu Tổng thống Mu-ba-rắc phải ra hầu tòa, song người dân đất nước Bắc Phi này vẫn phải xuống đường biểu tình để phản đối việc quân đội bám giữ quyền lực quá lâu. Xã hội dân sự Ai Cập cáo buộc chính quyền quân sự chuyển tiếp phản bội “lý tưởng của cuộc cách mạng”. Trong ván cờ chính trị thời kỳ hậu Mu-ba-rắc, lực lượng nòng cốt của các phong trào biểu tình như sinh viên, thanh niên bị xem là “thua đậm”. Họ nghi ngờ quân đội sẽ áp đặt một ứng cử viên tổng thống thuận lợi cho việc duy trì quyền lực. Khủng hoảng chính trị đã đẩy nền kinh tế đất nước Kim tự tháp vào khó khăn, du lịch sụt giảm, thất nghiệp gia tăng. Doanh thu từ du lịch của nước này trong năm 2011 giảm 30% (tương đương bốn tỷ USD). Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Ai Cập giảm hơn một nửa, từ 36 tỷ USD (tháng 1-2010) xuống 16 tỷ USD sau một năm.
Hận thù, chia rẽ
Tại Li-bi, Xy-ri, Y-ê-men, các lực lượng đối lập không tạo được sự ổn định và chiều hướng phát triển tích cực. Trong khi Tổng thống Xy-ri Át-xát nỗ lực tránh đi vào vết xe đổ của các nhà lãnh đạo ở Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi bằng cách thực hiện những cải cách chính trị và kinh tế, như trưng cầu ý dân về hiến pháp mới, thả tù nhân chính trị, đối thoại dân tộc…, phe đối lập ở nước này lại sử dụng “kịch bản Li-bi” nhằm lật đổ chế độ. Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC) của phe đối lập được thành lập và công khai kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài để lật đổ Tổng thống Át-xát.
Dù kịch bản nào xảy ra thì chẳng có gì bảo đảm một tương lai sáng sủa và dân chủ hơn ở các nước trong khu vực khi sự chia rẽ và thù hận dân tộc ngày càng bị khoét sâu. Làn gió của “Mùa xuân A-rập” ở Li-bi đã được NATO tiếp sức, thổi thành cơn lốc cuốn phăng chế độ của Tổng thống Ca-đa-phi và để lại một đất nước Li-bi hoang tàn, đổ nát. Trong khi đó, chế độ mới chưa đem lại một cuộc sống tốt đẹp như người dân ở đất nước Bắc Phi này mong muốn. Chính quyền lâm thời của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) ở Li-bi đã được thành lập, song các cuộc xung đột vẫn diễn ra giữa các nhóm vũ trang. Đất nước này bị cuốn vào vòng xoáy trả thù giữa các lực lượng ủng hộ chính quyền cũ và mới. Chính phủ mới ở Li-bi đã không thể giải giáp được các nhóm vũ trang khi họ từ chối hạ vũ khí. Với 140 bộ tộc, hơn 300 nhóm vũ trang và khoảng 20 nghìn hệ thống phòng không di động biến mất trong cuộc chiến Li-bi, chính quyền mới ở nước này phải đối mặt khó khăn chồng chất. Nhiều loại vũ khí, tên lửa có nguy cơ rơi vào tay nhóm khủng bố An Kê-đa, “tiếp sức” để tổ chức khủng bố này mở rộng hoạt động ở khu vực.
“Mùa xuân A-rập” được nhiều nhà phân tích nhận định là một câu chuyện chưa có hồi kết và mặt trái của nó là sự thù địch sắc tộc vốn âm ỉ từ lâu, đã và đang trở nên căng thẳng, khoét sâu sự chia rẽ giữa những người Hồi giáo theo dòng Xun-nít và người Hồi giáo theo dòng Si-ít tại nhiều quốc gia Trung Đông. Điều này được thể hiện rõ nhất tại Xy-ri và I-rắc khiến người ta lo ngại xảy ra nội chiến “nồi da nấu thịt”.
Kết quả các cuộc bầu cử ở Tuy-ni-di, Ma-rốc và Ai Cập phản ánh xu hướng lực lượng Hồi giáo chính trị lên nắm quyền ở các nước A-rập. Hồi giáo chính trị không phải là lực lượng khởi xướng các cuộc nổi dậy nhưng sau khi các chế độ cũ bị lật đổ, lực lượng này lại mở rộng ảnh hưởng. Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập và Đảng Hồi giáo Ennahda ở Tuy-ni-di đều đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử QH. NTC ở Li-bi lúc chuẩn bị lên cầm quyền cũng tuyên bố, giáo lý Hồi giáo sẽ trở thành căn cứ chủ yếu của luật pháp nhà nước Li-bi trong tương lai.
Những toan tính
Các nước A-rập giàu nguồn dầu mỏ và khí đốt lại “án ngữ” các tuyến đường thương mại huyết mạch của thế giới, nối châu Âu với châu Á, cùng với I-ran bao quanh vùng Vịnh Péc-xích, nơi có khoảng 54% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Sự gần gũi về địa lý cũng như các mối quan hệ lịch sử và kinh tế của các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) với các nước A-rập đem lại cho EU những lợi ích chiến lược không thể đong đếm. Qua “Mùa xuân A-rập” ở Trung Đông và Bắc Phi, giữa các cường quốc đã phơi bày sự tồn tại những bất đồng nghiêm trọng về lợi ích đối với khu vực có vị trí địa-chính trị vô cùng quan trọng này. Sự can thiệp của phương Tây vào Li-bi và tiếp đó là Xy-ri đều phục vụ những toan tính riêng. Các nước phương Tây ngay từ đầu đã lộ rõ bất đồng trong cuộc chiến Li-bi. Sau khi hỗ trợ lực lượng đối lập ở Li-bi lật đổ chế độ của Tổng thống Ca-đa-phi, nhà lãnh đạo một số nước phương Tây và các tập đoàn xuyên quốc gia đã “nô nức” tới quốc gia giàu dầu mỏ này để tính chuyện phân chia “miếng bánh” dầu mỏ. Còn đối với vấn đề Xy-ri, các cường quốc cũng không thể thống nhất được quan điểm xuất phát từ những lợi ích khác nhau. Mỹ và phương Tây ngày càng gia tăng sức ép và can thiệp sâu tình hình Xy-ri bằng các “đòn” trừng phạt và ráo riết tìm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ chống Đa-mát, đồng thời công khai ủng hộ lực lượng đối lập, như “lửa đổ thêm dầu” làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lại kiên quyết phản đối nỗ lực của Mỹ và phương Tây tìm kiếm một nghị quyết can thiệp Xy-ri.
“Mùa xuân A-rập” đã không đem lại “hoa thơm cỏ ngọt” như người dân khu vực này mong tưởng, mà trái lại đang là “cơn gió độc” làm chao đảo các quốc gia, đẩy khu vực Trung Đông và Bắc Phi vào vòng xoáy của giông bão và biến động. Các nhà phân tích nhận định, “Mùa xuân A-rập” sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự sụp đổ của các chế độ cũ không “sinh ra” một thể chế dân chủ, tiến bộ mới. “Mùa xuân A-rập” đã và đang mang lại những hậu quả xấu kéo lùi sự phát triển của nhiều quốc gia trong khu vực, chia rẽ và làm suy yếu thêm khối A-rập.
Theo Nhandan
Ý kiến ()