tle=” Hoa Đà Lạt vươn ra thị trường thế giới”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh * Phòng trưng bày hoa của Công ty Rừng hoa Đà Lạt
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoa Đà Lạt từ các làng hoa lâu đời như Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông… bước ra thị trường và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước.
Đến năm 1994, những nhà nông đầu tiên của vùng đất này đã tiếp cận với kiểu trồng hoa công nghệ cao (hi-tech), từng bước chinh phục thị trường hoa cao cấp trong nước và vươn ra thế giới.
Từ doanh nghiệp hoa hi-tech…
Lâm Đồng là tỉnh có những yếu tố đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Chính điều đó đã hấp dẫn nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Công ty Dalat Hasfarm đến Đà Lạt từ khá sớm (1994), và trở thành điển hình của sản xuất hoa hi-tech. Chính những trang trại trồng hoa của Dalat Hasfarm là “mô hình điểm” cho nông dân Đà Lạt tiếp cận kỹ thuật sản xuất hoa mới.
Mọi quy trình sản xuất, kinh doanh của công ty là điều mơ ước của nền nông nghiệp Việt Nam. Tất cả đều được tự động hóa: Chăm sóc theo kiểu Pháp, tưới bón theo kiểu
I-xra-en, bảo dưỡng kiểu Hà Lan và quản lý bán hàng bằng phần mềm do các kỹ sư tin học người địa phương sáng tạo. Từ đó, sản phẩm của Dalat Hasfarm được nhiều thị trường hoa khó tính trên thế giới đón nhận, càng làm nổi danh của xứ sở trồng hoa hi-tech Việt Nam – Đà Lạt. Khởi đầu với 2,5ha diện tích trồng hoa, đến nay Dalat Hasfarm đã
phát triển trang trại 300ha, trong đó có hơn 40ha nhà kính trồng hoa hi-tech. Bên cạnh đó, công ty cũng hợp tác với khoảng 50 hộ nông dân tại địa phương để thu mua sản phẩm. Năm 2011, Dalat Hasfarm đã đạt con số gần 100 triệu cành hoa các loại, trong đó 80% sản lượng được xuất khẩu đến các thị trường như: Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Đài Loan (Trung Quốc), In-đô-nê-xi-a… doanh thu khoảng 32 triệu USD và giải quyết việc làm cho 1.700 lao động.
Sự ra đời của Dalat Hasfarm là nhân tố quan trọng trong việc phát triển nghề trồng hoa theo công nghệ tiên tiến, thổi một luồng gió mới và làm nên cuộc “cách mạng” về công nghệ trồng hoa hi-tech ở Đà Lạt, Lâm Đồng.
Không lâu sau sự thành công của doanh nghiệp FDI sản xuất hoa hi-tech tại Đà Lạt, Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, như LangBiang Farm, Hoa Mặt Trời, Rừng hoa Đà Lạt…
Khi mới thành lập năm 2003, Công ty cổ phần Rừng hoa Đà Lạt chỉ có tám nhân viên, vài chục mét vuông đất làm chỗ sản xuất, kinh doanh, sau khi ứng dụng công nghệ cao thành công, đến nay doanh nghiệp đã có hơn 300 nhân viên, trong đó có 22 kỹ sư lành nghề. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Rừng hoa Đà Lạt Nguyễn Đình Chương cho biết: Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định ba hướng đi trong ứng dụng nông nghiệp hi-tech: Thứ nhất là tập trung vào lĩnh vực nuôi cấy mô, thứ hai là liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để họ cung cấp giống hoa để nhân giống và thứ ba là áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch với các loại hoa để tạo giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm.
Hơn 500 cây cảnh trong nhà và loài giống hoa, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được sản xuất trong phòng thí nghiệm có quy mô 4.000 m2. Rừng hoa Đà Lạt đã đạt công suất 24 triệu cây giống từ nuôi cấy mô hằng năm, cùng với vườn ươm 2,5 ha, cung cấp 800 nghìn cây con/tháng. Sau vài năm kiên trì thực hiện, các sản phẩm hoa hi-tech của công ty đã tạo được sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo ông Chương, đơn giản là vì hoa hi-tech đã tạo khoảng cách rất lớn về chất lượng, sản lượng và giá thành trên cùng một sản phẩm.
Với sự đột phá trong lĩnh vực trồng hoa hi-tech, tại Hội nghị phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tháng 12-2011, Công ty Dalat Hasfarm và Rừng hoa Đà Lạt là hai doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng chỉ “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bùi Bá Bổng khẳng định: Chứng nhận này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là sự công nhận đầu tư chất xám, trí tuệ của doanh nghiệp cho ngành nông nghiệp.
… Lan tỏa đến nhà nông Ban đầu, khái niệm trồng hoa hi-tech chỉ hạn hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp và một số hộ nông dân. Chỉ đến khi tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao (năm 2004) và coi đây là một trong những chương trình trọng điểm, mới thật sự tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh miền núi này, hình ảnh sản xuất nông nghiệp kiểu mới đã lan tỏa rộng từ TP Đà Lạt đến các địa phương khác trong tỉnh.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện, toàn tỉnh có gần 11 nghìn ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hơn 3.800 ha hoa, sản lượng đạt hơn 1,3 tỷ cành/năm. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong tổng diện tích trồng hoa công nghệ cao, thì phần lớn diện tích tập trung vào các làng hoa và hộ nông dân. Việc ứng dụng công nghệ cao đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống, trong đó sản xuất hoa cao cấp đạt bình quân từ 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm, gấp 1,6 lần so bình quân chung.
Anh Vũ Nhuần, nhà nông canh tác hoa nhà kính lâu năm ở Làng hoa Hà Đông, Đà Lạt. Với sáu sào đất trồng hoa cúc một cành, năng suất mỗi sào khoảng 150 nghìn cành/năm, tổng doanh thu bình quân mỗi sào là 180 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí đầu tư, mỗi sào một năm trồng hoa cúc một cành lãi từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Làng hoa Hà Đông được thành lập năm 1938 khi người Pháp cho di trú người dân ở các Làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá (ngoại thành Hà Nội) vào Đà Lạt lập ấp. Trải qua 74 năm phát triển, Làng hoa Hà Đông đã trở thành một vùng chuyên canh hoa với hơn 400 hộ sản xuất trên diện tích 50 ha trồng hoa, trong đó 35 ha nhà kính. Đây là Làng hoa đầu tiên được công nhận là Làng nghề truyền thống của TP Đà Lạt. Ở “Thành phố Festival hoa Việt Nam” này, sau Hà Đông là những làng nghề hoa đã trở thành những cái tên quen thuộc với du khách như: Làng hoa Thái Phiên, Làng hoa Vạn Thành…
Đứng trên đỉnh núi Hòn Bồ nhìn xuống, Làng hoa Thái Phiên tựa như một khu công nghiệp, với những mái nhà kính trồng hoa trải dài như sóng biển… Anh Nguyễn Đình Đức cho biết, với ba sào nhà kính chuyên canh hoa Cúc Saphia, mỗi năm gia đình anh thu được hơn 120 triệu đồng. Anh bảo, tôi không được tiếp cận nhiều về nông nghiệp hiện đại, nhưng nhờ học được kinh nghiệm từ những hộ khác trong làng, cho nên rất đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao, bởi tỷ lệ hoa đạt tiêu chuẩn rất cao, đầu ra ổn định và đã là nghề thì phải tính chuyện bền vững.
Phó Chủ tịch phường 12, TP Đà Lạt Nguyễn Đình Hướng, cho biết: Thái Phiên có tổng diện tích đất nông nghiệp là 430 ha, trong đó có 300 ha trồng hoa nhà kính. Sau 56 năm hình thành và phát triển, Thái Phiên có 1.150 hộ sản xuất nông nghiệp. Đa số các hộ trồng hoa theo công nghệ mới trong nhà kính, hệ thống tưới tự động. Sản lượng hoa hằng năm của làng đạt khoảng 300 triệu cành. Hiện, Nhà nước đang đầu tư một con đường nhựa dọc theo làng hoa để phục vụ nông dân vận chuyển hoa sau thu hoạch.
Nếu Hà Đông, Thái Phiên nổi tiếng với hoa cúc, thì Làng hoa Vạn Thành sở hữu đặc sản hoa hồng. Theo bà Trần Thị Kim Thủy, chủ cơ sở hoa Hóa – Thủy, phường 5, TP Đà Lạt, nhờ biết ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa mà đời sống của người dân Vạn Thành thay đổi nhanh chóng. Như nhà tôi, với ba sào chuyên canh hoa hồng, nếu giá ổn định, trừ chi phí đầu tư thì thu lãi không dưới 40 triệu đồng/sào/năm.
Từ năm 1997 đến nay, việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp như làm nhà kính, công nghệ tưới, bón phân bằng hệ thống phun tự động; giống hoa mới cao cấp được nhập về với nhiều chủng loại… Hoa hi-tech ở các làng hoa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở.
Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, đồng thời là chủ trang trại hoa LangBiang Trần Huy Đường cho biết: Để gây dựng được trại hoa như hôm nay, với hơn bảy ha nhà kính, có phòng nuôi cấy mô và đội ngũ lao động 80 người, trong đó có 15 kỹ sư… là nhờ kiên trì thực hiện phương châm “Lấy hoa phát triển hoa”. Đã 12 năm trôi qua, giờ đây, LangBiang Farm được ví như một “Bảo tàng mi-ni” với hàng nghìn chậu địa lan, cát lan, hồng môn, đồng tiền Hà Lan, cát tường Nhật Bản… được canh tác dựa trên cơ sở áp dụng thành tựu nông nghiệp hi-tech. Hoa của LangBiang Farm đã vươn tới thị trường châu Âu.
Sản xuất hoa theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi của nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ông Đường cho biết, nếu như trước đây ở Bắc Bộ phấn đấu những đồng lúa 50 triệu đồng/ha thì ở Đà Lạt doanh thu từ trồng hoa đạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho một ha hoa cũng từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ở đây, hiệu quả thậm chí không tính trên héc-ta, trên sào mà tính bằng mét vuông. Có thể nói, những nông trại đầu tư bài bản và cho doanh thu tiền tỷ trên mỗi héc-ta hoa như vậy ở Đà Lạt không còn hiếm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tiến sĩ Phạm S, có thể coi ứng dụng công nghệ cao là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lâm Đồng. Nếu như năm 2003, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng chỉ đạt 27 triệu đồng/ha, thì bây giờ đã đạt 80 triệu đồng/ha. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ chiếm 3%, nhưng đem lại từ 18 đến 20% tổng giá trị sản xuất.
Thị trường hoa hi-tech Lâm Đồng không còn bó hẹp ở các nước trong khu vực, mà đã chinh phục thị trường EU, Bắc Mỹ bằng các loại hoa thế mạnh như hồng, cúc, ly ly, cẩm chướng, bất tử, địa lan, đồng tiền… Sản lượng xuất khẩu năm 2011 là 165 triệu cành, với kim ngạch xuất khẩu đạt 18 triệu USD. Những kết quả bước đầu của chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã làm thay đổi lớn trong tư duy nhà nông địa phương. Tháng 12-2011, nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ độc quyền trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()