Hòa Cư phát triển cây ăn quả
(LSO) – Phát huy lợi thế đất tự nhiên, từ năm 2010 đến nay, người dân xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từ đó, rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống ổn định hơn.
Xác định phát triển cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Cư đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động phát huy thế mạnh của mình.
Người dân thôn Bản Lành, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc thu hái hồng không hạt Bảo Lâm
Đồng thời, để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, xã thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, tổng dư nợ qua Ngân hàng Chính sách xã hội của xã là gần 7 tỷ đồng. Trong đó có rất nhiều hộ vay vốn để đầu tư trồng cây ăn quả. Cá biệt có những hộ còn mạnh dạn phá bỏ rừng lâu năm để chuyển đổi diện tích đất sang trồng cây ăn quả.
Cùng với đó, hằng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện mở từ 3-5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây ăn quả cho bà con nông dân.
Trên địa bàn xã, cây ăn quả được trồng ở 8/8 thôn nhưng tập trung nhiều ở các thôn: Pằn Cù, Bản Lành, Co Cam, Bản Luận, Chè Lân, Kéo Cặp. Trong đó, căn cứ thực tế điều kiện tự nhiên, xã Hòa Cư hướng tới phát triển cây ăn quả thành từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo đó, cây hồng không hạt Bảo Lâm đang có diện tích lớn nhất trong toàn huyện là trên 70 ha, được quy hoạch trồng tại các thôn: Pằn Cù, Bản Lành, Chè Lân, Co Cam… Cây mận, cây xoài, cây bưởi được quy hoạch trồng tại các thôn: Bản Lành, Bản Luận, Chè Lân…
Ông Lã Văn Thức, thôn Pằn Cù chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Nhờ trồng cây ăn quả, hiện nay, đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Hiện nay, tôi có khoảng 500 gốc hồng, 600 gốc mận, 500 gốc cam và 250 gốc xoài. Bình quân, gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Trồng cây ăn quả có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch dài…Thời gian tới, với hơn 2 ha đất còn trống tôi tiếp tục trồng thêm cây hồng Vành khuyên và một số loại cây ăn quả khác để nâng cao thu nhập theo hướng bền vững, lâu dài.
Ngoài gia đình ông Thức, hiện nay trên địa bàn xã đã và đang có khá nhiều hộ có thu nhập từ 100- 200 triệu đồng/năm nhờ trồng cây ăn quả như: hộ ông Lã Văn Lâm, thôn Pằn Cù; hộ ông Hoàng Văn Vinh, thôn Bản Lành; hộ ông Đoàn Văn Sáng, thôn Bản Luận…
Nếu như năm 2010, toàn xã mới có khoảng 40 ha cây ăn quả thì đến nay, diện tích đã lên tới trên 130 ha gồm: hồng (trên 70 ha), cam, quýt (19,4 ha), mận (29 ha), xoài (12 ha)… Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay là 18 triệu đồng/người/năm; tăng 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo hiện còn 28,5 %, giảm 10,6% so với năm 2016.
Ông Hoàng Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã xác định trồng cây ăn quả là một trong những hướng phát triển mũi nhọn, hướng tới hình thành vùng sản xuất cây hồng không hạt Bảo Lâm. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát triển một số loại cây ăn quả hiện đang có tiềm năng như mận, cam, bưởi… Thời gian tới, xã định hướng tại mỗi thôn thành lập một nhóm sản xuất để cùng giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả… Từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu thành lập một tổ hợp tác hướng tới sản xuất các sản phẩm nông sản sạch (chủ yếu là các loại cây ăn quả) theo tiêu chuẩn VietGAP; đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()