Hòa Cư mùa củ sen
LSO- Ít ai nghĩ rằng ở miền ngược như Xứ Lạng lại có thể trồng hoa sen. Nhưng ngược lại, trên địa bàn có một nơi trồng nhiều sen và phát triển rất tốt, đó là ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc. Cây sen không những mang đến cho Hòa Cư một vẻ đẹp riêng hiếm thấy mà nó còn là cây trồng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Một ngày đầu thu đến xã Hòa Cư, hình ảnh nhiều chị em trong trang phục dân tộc Nùng truyền thống gánh củ sen ra thành phố Lạng Sơn bán để lại cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt. Thấy tôi thắc mắc, có chị vui vẻ nói: “đi bộ quen cái chân rồi, gánh sen nhẹ không cần đi xe đâu. Nhẹ nhưng nặng tiền đấy chú ạ!”.
Quả là vậy, gánh củ sen chỉ độ 20 kg ra chợ, nếu bán hết, các chị cũng thu về từ 600 – 800 nghìn đồng. Bởi củ sen hiện có giá từ 30 – 40 nghìn đồng/kg đối với củ nhỏ; 50 – 60 nghìn đồng/kg đối với củ to.
Người dân xã Hòa Cư thu hoạch củ sen
Tại Hòa Cư, thôn Kéo Cặp có diện tích trồng sen lớn nhất với 5 ha và hoàn toàn sen trắng (hoa màu trắng). Đây cũng là thôn trồng sen đầu tiên trong xã. Theo Trưởng thôn Tô Văn Dầu, giá sen nhiều năm nay không biến động mà còn có phần tăng lên. Sen thường thu hoạch từ tháng 5 âm lịch và rải rác đến tháng Chạp. Năm nay, đầu vụ củ sen to bán được giá tới 70 nghìn đồng/kg, củ nhỏ được khoảng 50 nghìn đồng/kg.
Trước đây, thôn Kéo Cặp chỉ khoảng 10 hộ trồng sen thì nay có trên 50 hộ trồng. Trong đó, nhiều hộ chuyển đổi phần lớn diện tích đất trồng lúa sang trồng sen. Chị Hứa Thị Mẹt, một người dân trong thôn tính toán: nếu cùng một diện tích, so với trồng lúa thì trồng sen mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều. Thường thì 1 sào đất ruộng thì thu về 2 tạ thóc, bán ra chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng. Nhưng cũng với diện tích đó, trồng sen có thể thu về gần 10 triệu đồng.
Không chỉ Kéo Cặp, diện tích trồng sen ở Hòa Cư nay đã lan rộng ra nhiều thôn trong xã như Chè Lân, Bản Lành, Tằm Liền, Bản Cằm. Cánh đồng sen ở đây thường chạy dọc theo thung lũng, nơi có khe nước tự nhiên chảy quanh năm. Và thường phải là đất bùn lầy thì sen mới phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của bà con, đất càng bùn lầy, màu mỡ, sen càng phát triển tốt, củ to, tròn, đẹp.
Ông Hoàng Văn Đương, Chủ tịch UBND xã cho biết: tổng diện tích sen toàn xã hiện có khoảng 6 héc ta. Đây đang là một trong những cây chủ đạo trong việc phát triển kinh tế của bà con. Đặc điểm của cây trồng này là ít tốn công chăm sóc, giá thành cao. Cũng có nhiều người các xã khác đem cây này về trồng nhưng do thổ nhưỡng không hợp, cây không phát triển tốt bằng nơi đây. Vì thế, trồng sen trên địa bàn có ưu thế hơn hẳn. Khó khăn hiện nay là đầu ra cho củ sen trên địa bàn chưa ổn định. Hầu hết bà con tự liên hệ đầu ra, chủ yếu là đem ra các chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn bán.
Khó khăn nữa trong việc trồng sen ở Hòa Cư là mấy năm gần đây xuất hiện một số loại sâu ăn lá sen. Thêm nữa, ốc bươu vàng thường cắn cụt lá khi sen vừa ló lên khỏi mặt nước. Việc phun thuốc trừ các sinh vật này lại ảnh hưởng tới sự phát triển của cây sen. Bà con chưa có cách diệt sâu bệnh một cách khoa học, hiệu quả.
Như vậy, để cây sen được duy trì dài lâu, trở thành cây trồng mũi nhọn nâng cao đời sống của người dân; thiết nghĩ xã nên thành lập các tổ, nhóm hoặc hợp tác xã về trồng sen để tạo sự thống nhất về công tác chăm sóc cũng như liên kết đầu ra ổn định. Cùng đó, bà con cần chủ động diệt trừ sâu bệnh, sinh vật hại sen để cây trồng phát triển bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()