Hòa Cư còn đâu nghề dệt
LSO-Chị Chu Thị Nhựa, thôn Co Cam ngậm ngùi chỉ lên gác bếp, nơi có bộ quay tơ mạng nhện chăng đầy và khung cửi sậm đen mầu khói bếp.
LSO-Chị Chu Thị Nhựa, thôn Co Cam ngậm ngùi chỉ lên gác bếp, nơi có bộ quay tơ mạng nhện chăng đầy và khung cửi sậm đen mầu khói bếp. Chị nói: “gia đình đã để khung cửi lên đó hai năm nay rồi, mà ở làng này không riêng gì nhà tôi , nhà nào cũng thế cả, có nhà còn phá làm củi đun hết, không còn bộ khung cửi nào.”
Chị Chu Thị Nhựa và chiếc chăn chị tự dệt khi về nhà chồng |
Cuối thu, chúng tôi đến xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, phần lớn dân số là người dân tộc Nùng với nghề dệt vải truyền thống “mẹ truyền, con nối” từ bao đời nay. Trước đây, người con gái Nùng ở Hòa Cư cứ lớn lên là biết quay tơ dệt vải. Từ những sợi bông tự nhiên tự trồng trên những sườn đồi, họ xe sợi, dệt thành những tấm vải với màu đen nhuộm chàm truyền thống. Những tấm vải đó, qua đôi bàn tay khéo léo, người con gái Nùng tỉ mỉ cắt, thêu thành những chiếc quần, tấm áo, rồi đến những chiếc chăn, chiếc gối… Mỗi người con gái Nùng nơi đây khi đến tuổi lập gia đình đều phải tự làm cho mình tất cả những sản phẩm cần thiết trước khi về nhà chồng. Hơn nữa, trước đây nghề dệt còn mang lại một nguồn thu nhập khá cho mỗi hộ gia đình, khi mà những khuôn vải thêu còn được chuyển về xuôi, đến những thành phố lớn, những vùng du lịch và tới tay những du khách trong và ngoài nước. Nhưng nét văn hóa truyền thống đó đến nay chỉ còn là quá khứ. Khoảng 2 năm gần đây, trên mảnh đất Hòa Cư không còn nhìn thấy cây bông nữa mà thay vào đó là rừng cây bạch đàn, cây thông… Trong mỗi gia đình người Nùng không còn thấy những chiếc khung cửi dệt vải thủ công đã gắn bó với các bà, các mẹ, các chị bao đời nay.
Được sự giới thiệu của cán bộ văn hóa xã, chúng tôi tới thăm gia đình bà Hứa Thị Miền tại thôn Co Cam. Bà Miền nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhiều năm, là người có công lớn trong việc đưa sản phẩm vải thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Nùng Hòa Cư vượt ra khỏi ranh giới xã. Tại căn nhà hai tầng khang trang nằm trên sườn đồi yên tĩnh, chúng tôi đã gặp bà Miền, bà năm nay đã ngoài 70 tuổi. Thay mặt gia đình tiếp chuyện với chúng tôi là chị Chu Thị Nhựa, con dâu cả của bà, người làng quen gọi chị với cái tên thân mật là “mẹ Miền”, chị tâm sự: bà nhà chị nhiều năm làm cán bộ Hội phụ nữ xã, vì muốn phát triển nghề dệt của quê hương và tạo thêm thu nhập cho bà con trong xã, bà đã nhiều lần lặn lội đưa sản phẩm vải dệt thổ cẩm của xã về xuôi. Sau khi đã có được khách hàng, bà không phải đi nữa, những năm trước đây, tuần nào cũng có khách từ Hà Nội đến tận nhà để mua vải và những sản phẩm thổ cẩm đã được thêu như khăn quàng, khăn trải bàn, quần, áo…Để đảm bảo đủ số lượng sản phẩm cung cấp cho khách, bà thành lập được một hội dệt khoảng 50 hộ tham gia. Nhưng 2 năm trở lại đây rất ít khách đến mua vải, nếu có thì giá cả cũng không tương xứng với công sức bà con bỏ ra. Hơn nữa, ngày càng nhiều vải sản xuất công nghiệp được chuyển từ Trung Quốc về nên nghề dệt vải của địa phương đã mai một dần và đến nay gần như không còn nữa. Vừa nói chuyện, “mẹ Miền” vừa đưa chúng tôi xuống bếp, ngậm ngùi chỉ lên gác bếp, nơi có bộ quay tơ mạng nhện chăng đầy và khung cửi sậm đen mầu khói bếp. Chị nói: “gia đình đã để khung cửi lên đó hai năm nay rồi, mà ở làng này không riêng gì nhà tôi, nhà nào cũng thế cả, có nhà còn phá làm củi đun hết, không còn bộ khung cửi nào. Con gái ở đây mấy nữa lớn lên là không còn biết đến nghề dệt của của mẹ, bà nữa rồi.”
Khung cửi giờ nằm yên trên gác bếp |
Trao đổi với ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh về nguyên nhân mất đi nghề dệt của xã Hòa Cư, ông cho biết: nghề dệt ở Hoa Cư mất đi do nhiều nguyên nhân, nhưng điều quan trọng lại chính là do sự phát triển của kinh tế – xã hội. Để làm ra được một sản phẩm dệt thủ công như trước mất rất nhiều thời gian và công sức, giá trị tích lũy lao động trong mỗi sản phẩm khá lớn. Do vậy, để bà con có thu nhập thì giá thành sản phẩm phải cao, như một chiếc khăn khổ 60x120cm cũng phải 300 nghìn đồng. Nhưng hiện nay, vải công nghiệp, nhất là các loại vải từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, len lỏi về từng làng quê, ngõ xóm mà giá cả lại rẻ. Hơn nữa, còn có nhiều sản phẩm công nghiệp nhái ý hệt sản phẩm dệt thủ công. Những nguyên nhân này làm cho vải dệt thổ cẩm không tiêu thụ được. Kế đến là trước sự phát triển kinh tế đa dạng như ngày nay, bà con cũng mất nhiều thời gian cho những công việc khác thay vì ngồi dệt. Tuy nhiên, qua nhiều lần tìm hiểu thực tế, cán bộ trung tâm vẫn thấu hiểu nỗi niềm trăn trở của bà con đối với sự tồn vong của nghề dệt truyền thống. Trung tâm vẫn đang tiếp tục xây dựng đề án để làm sao khôi phục và gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi đây không chỉ là trăn trở của những người có tâm huyết với nghề mà còn là của những người đang làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc tỉnh nhà.
ANH DŨNG
Ý kiến ()