Hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của Syria đối mặt thách thức mới
Ngày 17/1, kế hoạch của Mỹ thiết lập một lực lượng an ninh tại miền Bắc Syria, bao gồm các thành viên thuộc đảng Liên minh Dân chủ người Kurd được công bố đã khiến dư luận quốc tế lo ngại.
Liên hợp quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã có những phản ứng vì động thái này của Mỹ có thể đặt nền hòa bình mong manh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria đối mặt với những thách thức mới và khó lường .
Một quyết định gây nhiều phản ứng
Liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ngày 14/1/2018 cho biết đang phối hợp với các nhóm vũ trang Syria thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria.
Người phát ngôn của liên minh, Ryan Dillon cho biết, trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo đang dần đi đến hồi kết, liên quân và các đồng minh trong Lực lượng Bảo vệ Syria gồm các nhóm vũ trang đối lập bắt đầu chuyển sang tập trung vào an ninh biên giới. Mục tiêu cuối cùng là thành lập một lực lượng gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng trong Lực lượng Bảo vệ Syria đã được huấn luyện. Người phát ngôn này nêu rõ hiện có 230 người đang được huấn luyện trong lực lượng an ninh này và đây là “lớp huấn luyện mở màn”.
Một quan chức truyền thông hàng đầu của Lực lượng Bảo vệ Syria Mustefa Bali xác nhận, việc thành lập lực lượng biên giới, đồng thời quá trình huấn luyện nhằm đảm bảo an ninh tại các khu vực mới được giải phóng đã được bắt đầu. Dự kiến các đơn vị mới này sẽ được triển khai dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và giáp với vùng lãnh thổ binh sĩ Syria đang đồn trú.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ từ các cố vấn đặc biệt, vũ khí và các cuộc không kích do liên quân tiến hành, Lực lượng Bảo vệ Syria đã đánh bật Nhà nước Hồi giáo ra khỏi các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc Syria. Hiện các lực lượng người Kurd và Arab của Lực lượng Bảo vệ Syria đang kiểm soát vùng lãnh thổ giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc, giáp Iraq về phía Đông và giáp khu vực do các lực lượng Chính phủ Syria kiểm soát về phía Tây.
Trước việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria, một loạt các quốc gia liên quan đã kịch liệt phản đối. Những phản ứng mạnh mẽ này được đưa ra giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng kế hoạch đầy tham vọng này của Washington thực chất là việc thành lập một “vùng cát cứ” chống lại chính quyền trung ương Syria, đã khiến Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. Kéo theo đó là những hệ lụy do căng thẳng leo thang và bùng phát xung đột.
Ngày 15/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan điểm phản đối kế hoạch của Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria. Phát biểu với các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh: “Quá nhiều nước đã triển khai quân ở Syria. Tôi cho rằng nếu người dân Syria có thể tự giải quyết các vấn đề của đất nước thì sẽ tốt hơn nhiều”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích việc Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria, coi đây là sự vi phạm chủ quyền của Syria.
Theo hãng thông tấn SANA của Syria, Bộ Ngoại giao Syria cho rằng, tuyên bố của chính quyền Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại Syria là hành động xâm lược đối với sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của Syria, đồng thời là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Syria cho rằng, tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington đang thực thi chính sách nhằm gây trở ngại đối với nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực.
Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin quân đội Syria kiên quyết đòi chấm dứt sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phản ứng trước thông báo trên của liên quân do Mỹ đứng đầu, cho rằng động thái của liên quân sẽ “hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố”. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – ông Ibrahim Kalin, nhấn mạnh, thay vì chấm dứt sự hỗ trợ đối với đảng Liên minh dân chủ người Kurd và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd, các bước đi này hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố và “không thể chấp nhận được”.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdagcảnh báo Mỹ đang “đùa với lửa” khi thiết lập lực lượng bao gồm cả Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng khủng bố.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, kế hoạch của Mỹ thành một lập lực lượng an ninh biên giới mới bên trong lãnh thổ Syria là vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Syria.
Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Syria Hammouda Youssef Sabbagh thăm Tehran ngày 16/1, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh kế hoạch trên của Mỹ “là âm mưu chống lại chủ quyền cũng như an ninh của Syria và khu vực”. Iran ủng hộ và hỗ trợ về quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến kéo dài gần 7 năm chống lại các lực lượng nổi dậy cũng như Nhà nước Hồi giáo.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cũng cảnh báo kế hoạch thành lập lực lượng an ninh biên giới mới được Mỹ hậu thuẫn bên trong lãnh thổ Syria sẽ “thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh” và làm gia tăng căng thẳng. Ông Qasemi nhấn mạnh, việc thành lập lực lượng này là một sự can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của Syria, đồng thời yêu cầu các lực lượng Mỹ rút khỏi Syria ngay lập tức.
Tiếp đó, ngày 17/1, đồng minh thân cận của Syria là Nga coi kế hoạch mới của liên minh do Mỹ đứng đầu là âm mưu chia cắt đất nước Syria. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov cho rằng, việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria thể hiện sự đối đầu trực tiếp với các lợi ích của Nga, đồng thời lên tiếng cảnh báo Nga sẽ cùng các đối tác sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình Syria.
Chuyên gia Sergei Palmasov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, thông qua kế hoạch trên, Mỹ gửi một thông điệp tới Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rằng, Washington đang muốn tăng cường sự hiện diện cũng như thể hiện ảnh hưởng của mình trong khu vực. Chuyên gia này nhấn mạnh kế hoạch mới nhất của Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với chủ quyền của Syria và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, nhà phân tích Yuri Mavashev – Trưởng bộ phận nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại có trụ sở tại Moskva (Nga) nhận xét rằng, ý định của Mỹ thiết lập một lực lượng an ninh biên giới ở miền Bắc Syria là để đảm bảo rằng Washington đang kiểm soát các khu vực chiến lược quan trọng tại Syria. Ông Mavashev chỉ rõ, Mỹ cũng có ý định cản trở Hội nghị đối thoại dân tộc Syria, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga, đồng thời gây trở ngại đối với tiến trình đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Trong một diễn biến mới, phản ứng trước làn sóng chỉ trích về kế hoạch mới đây của Washington tại Syria, ngày 17/1, Mỹ khẳng định nước này đang huấn luyện một lực lượng mới ở Syria, chứ không có ý định thành lập “quân đội” hay lực lượng bảo vệ biên giới thông thường. Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc nhấn mạnh, “đây không phải là một “quân đội” mới hay lực lượng bảo vệ biên giới thông thường”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục huấn luyện lực lượng an ninh địa phương ở Syria”. Lầu Năm Góc khẳng định lực lượng này nhằm chống lại các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và góp phần đảm bảo ổn định tại những khu vực đã được giải phóng từ quân thánh chiến.
Nguy cơ đối đầu và nền hòa bình mong manh
Một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã sử dụng các cuộc không kích và lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ các lực lượng đối lập ở Syria chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo từ năm 2014. Liên minh này có khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là từ lâu nay, chính phủ Syria vẫn luôn coi sự hiện diện của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở lãnh thổ Syria là hành động xâm lược.
Nước cờ mới của Mỹ ngay lập tức làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ đang tìm cách hỗ trợ người Kurd xây dựng một “lãnh địa” riêng chia cắt đất nước Syria. Trong khi chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad thì luôn phản đối bất cứ ý đồ can thiệp nào của Mỹ ngoài phạm vi thỏa thuận hòa bình đã được nhất trí.
Phản ứng tức thời của các bên như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran… cũng hoàn toàn là điều dễ hiểu khi các nước này lo ngại hành động của Mỹ tại Syria ít nhiều động chạm tới lợi ích của từng nước.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang gia tăng liên quan đến kế hoạch của Mỹ nhằm thiết lập một lực lượng an ninh biên giới ở ngay “cửa ngõ” của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/1, kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai nhiều xe bọc thép tới biên giới phía Nam giáp Syria. Ankara được cho là đã điều động một đoàn gồm 40 phương tiện quân sự và xe tăng tới các khu vực phía Nam, dọc biên giới giáp Syria. Hơn 20 xe bọc thép đã tiến vào huyện Reyhanli thuộc tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các phương tiện phá sóng quân sự. Một đoàn gồm khoảng 20 xe quân sự khác, trong đó có cả xe tăng, cũng đã tới huyện Viransehir, tỉnh Sanliurfa nhằm tăng viện cho các đơn vị quân đội đã được điều động tới đây.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ về lực lượng an ninh biên giới tại Syria.
Phát biểu trước các thành viên trong đảng cầm quyền, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã đặt câu hỏi về quan điểm của NATO trong vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh NATO cần có động thái và nghĩa vụ chống lại những hành động quấy rối và xâm phạm biên giới của các nước thành viên. Tổng thống Erdogan cũng cho biết, lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận vấn đề với các quan chức NATO tại Brussels.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng cam kết sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd tại khu vực Afrin ở miền Bắc Syria mà Ankara coi đây là một tổ chức khủng bố vì có liên hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Mỹ coi lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất chống lại Nhà nước Hồi giáo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kế hoạch này sẽ được phe nổi dậy Syria hỗ trợ.
Phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là cảnh báo mới nhất về một chiến dịch sắp diễn ra ở khu vực Afrin nhằm đáp trả các động thái mới của Mỹ gây lo ngại làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Những diễn biến mới liên quan đến kế hoạch quân sự của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã ảnh hưởng đến nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Syria khi Đại hội Đối thoại dân tộc Syria – sự kiện được xem là bước ngoặt quan trọng hướng tới việc đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, đang được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thúc đẩy để có thể diễn ra vào cuối tháng này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng hoài nghi về một mưu toan phá hoại Ðại hội đối thoại dân tộc Syria dự kiến diễn ra tại thành phố Sochi bên bờ Biển Ðen của Nga, sau khi Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Trung Ðông trong buổi điều trần tại Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ tuyên bố, Washington sẽ không thừa nhận tính hợp pháp của Ðại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi.
Trước sự việc này, nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria có thể châm ngòi cho một giai đoạn khủng hoảng mới ở khu vực, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với hòa bình, an ninh quốc tế, mà trước mắt là cản trở các giải pháp chấm dứt xung đột, tìm kiếm hòa bình cho Syria./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()