Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh có 514 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 33 hồ lớn (đập có chiều cao từ 15m trở lên hoặc dung tích từ 3 triệu m 3trở lên) còn lại là 481 đập vừa nhỏ. Trong số 33 đập lớn đã có 25 công trình được sửa chữa nâng cấp bảo đảm năng lực chống lũ theo TCVN 285-2002 và bảo đảm an toàn, không xuất hiện những hư hỏng ở thân đập.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 40 dự án với hơn 60 công trình hồ chứa được nâng cấp, sửa chữa, xây mới từ đầu mối đến kênh mương, tràn xả lũ đã được mở rộng bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần bảo đảm an toàn công trình và nâng cao năng lực tưới phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 3/5 đập hồ thủy điện đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác kiểm định an toàn đập.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các hồ đập trên địa bàn tỉnh được xây dựng những năm 1960-1990 nên đã bị xuống cấp, hư hỏng. Ngoài những công trình xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa bảo đảm an toàn. Các hồ chứa còn lại đều tiềm ẩn sự cố ở các hạng mục đầu mối như đập đất bị thẩm lậu, xói mòn mái; cống bị thấm hai bên mang hoặc cửa cống không kín nước, một số hồ không có van điều tiết; tràn xả lũ là tràn đất bị xói lở, thu hẹp.
Theo thống kê, số lượng các đập có biểu hiện nứt, sạt trượt mái bờ, hai vai đập và cửa nhận nước, lún đập, xói lở hạ lưu và các hiện tượng bất thường khác gồm 190 hồ chứa đang có sự cố cần được nâng cấp sửa chữa. Đây đều là các hồ chứa thủy lợi, trong đó có 165 hồ chứa có dung tích dưới 0,5 triệu m 3, 17 hồ chứa có dung tích từ 0,5-1 triệu m 3và tám hồ chứa có dung tích hơn một triệu m 3. Các hồ chứa đang bị hư hỏng ở công trình đầu mối phần đập chính như sạt trượt mái thượng lưu đập với 137 công trình; sạt trượt mái hạ lưu đập với 123 công trình; thấm thân đập với 119 công trình; chưa có lớp gia cố với 149 công trình.
Ngoài ra, các hồ chứa cũng xuất hiện những hư hỏng ở công trình đầu mối phần tràn xả lũ. Trong đó, chưa có lớp gia cố 146 công trình; thấm thân tràn 37 công trình; chưa có bể tiêu năng 84 công trình; chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng lũ 150 công trình. Hay hư hỏng ở công trình đầu mối phần cống lấy nước như bị lún, nứt, gãy 41 công trình; bị hỏng khớp nối 57 công trình; thấm qua mang cống 70 công trình; hỏng van điều tiết 86 công trình; tiêu năng sau cống bị xói 42 công trình.
Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa có hồ đập thủy lợi, thủy điện nào được lắp đặt các thiết bị theo dõi quan trắc thấm qua thân đập, chuyển vị của đập (trừ đập Thủy điện Hòa Bình). Vì vậy, việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày, theo dõi các diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường để phục vụ công tác quản lý; các chủ đập đã tổ chức thực hiện quan trắc bằng trực quan, ghi chép và lưu trữ các thông số quan trắc được tại công trình nhưng phần lớn thông số kỹ thuật của các công trình thủy lợi hiện không đầy đủ do được xây dựng từ lâu; việc đánh giá hiện trạng dựa vào quan sát trực quan nên nhiều ẩn họa tiềm ẩn không lường hết được.
Ngoài ra, các hồ chứa thủy lợi do chưa bố trí được nguồn kinh phí nên đều chưa thực hiện kiểm định an toàn đập. Hơn nữa, các công trình hồ chứa của tỉnh được xây dựng đã lâu nên quá thời hạn kiểm định vì vậy cần nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện kiểm định.
Cũng theo thống kê, hiện nay trên địa bàn có 343 hồ nhỏ do địa phương quản lý, trực tiếp là UBND các xã, thị trấn có công trình thủy lợi. Trong đó thành phần tham gia quản lý khai thác là các tổ chức, cá nhân (các trưởng xóm). Tuy nhiên, các tổ chức này đều chưa hợp pháp về tư cách và chưa đủ năng lực quản lý công trình theo quy định. Một số huyện như Lạc Thủy, Cao Phong đã giao 100% các công trình cho các HTX có dịch vụ thủy lợi quản lý khai thác. Nhưng, hiện nay chỉ có một số HTX có cán bộ vận hành được đào tạo, cấp chứng chỉ, còn lại hầu hết các địa phương trong tỉnh đang củng cố và kiện toàn các HTX theo Luật HTX hoặc thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước.
Đề bảo đảm an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để các chủ đập sử dụng kinh phí từ nguồn thủy lợi phí do Nhà nước hỗ trợ để thực hiện việc kiểm định, xây dựng phương án bảo đảm an toàn đập; quan tâm bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa nâng cấp những hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản nhân dân.
Ý kiến ()