Hòa bình thế giới bắt đầu từ bình yên trong mỗi gia đình
Trong lời kêu gọi chấm dứt bạo lực giới trên toàn cầu – “một đại dịch” trong lòng đại dịch COVID-19, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nhận định rằng, hòa bình thế giới bắt đầu từ bình yên trong mỗi gia đình.
Ảnh minh họa |
Theo tuyên bố hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) của Tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cứ ba phụ nữ lại có một người từng trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục trong đời. Hiện nay, trong bối cảnh các quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa và căng thẳng gia đình gia tăng thì bạo lực giới cũng trở nên phổ biến hơn. Mặt khác, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đang phải “tạm gác sang một bên” để các hệ thống y tế tập trung cho cuộc chiến chống COVID-19.
Khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến con người, cộng đồng và nền kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các nhóm dân số, trong đó phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng chịu tác động lớn nhất.
Tác động của COVID-19 có khả năng sẽ cản trở nỗ lực đạt được “ba không” đến năm 2030 trên toàn cầu– trọng tâm trong công tác của UNFPA. Đó là không còn nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai; không còn tình trạng tử vong mẹ do nguyên nhân có thể ngăn ngừa được; không còn bạo lực giới hoặc thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Minh chứng đối với các dự án của UNFPA, đại dịch sẽ làm giảm tối thiểu một phần ba tiến độ thực hiện mục tiêu chấm dứt bạo lực giới trên toàn cầu trong thập kỷ này. Hơn nữa, nếu tiếp tục hạn chế đi lại trong 6 tháng tới hoặc lâu hơn nữa, các dịch vụ y tế sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này có thể khiến 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình không thể tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại, dẫn đến hậu quả là 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn.
Nhân Ngày Dân số thế giới năm nay, UNFPA kêu gọi toàn thế giới quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong khủng hoảng COVID-19 cùng tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cũng như chấm dứt bạo lực giới “núp bóng” đại dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay.
UNFPA đang nỗ lực duy trì nguồn cung ứng các phương tiện tránh thai hiện đại, hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như nguồn cung các trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) thiết yếu cho đội ngũ hộ sinh và nhân viên y tế khác để đảm bảo an toàn cá nhân.
Tính đến nay đã có 146 quốc gia thành viên hưởng ứng lời kêu gọi đảm bảo bình yên trong gia đình của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. UNFPA hiện đang phối hợp, hỗ trợ các quốc gia hiện thực hóa mục tiêu này. Trong nỗ lực ứng phó với COVID-19, UNFPA đang đổi mới hình thức cung cấp dịch vụ sang cung cấp dịch vụ từ xa như mở các đường dây nóng hay cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe từ xa. Bên cạnh đó, UNFPA cũng thu thập và công bố số liệu giúp các Chính phủ xác định và tiếp cận những nhóm đối tượng cần hỗ trợ nhất.
Việc tuyên truyền đến người dân những thông điệp tích cực về bình đẳng giới, thách thức những định kiến giới và chuẩn mực xã hội có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ bạo lực. Trong nỗ lực này, nam giới và trẻ em trai có thể và cần được huy động trong vai trò đồng minh chủ chốt.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là quyền con người. Tương tự như nhu cầu thai sản, quyền con người không dừng lại vì bất kỳ đại dịch nào. Ngay bây giờ, chúng ta hãy chung tay đẩy lùi COVID-19, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Tiến sĩ Natalia Kanem chia sẻ, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể đơn phương độc mã trong cuộc chiến này. Đại dịch là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu. Năm nay cũng là kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong bối cảnh cộng đồng thế giới đoàn kết vượt qua đại dịch, UNFPA đặt nền móng xây dựng các xã hội kiên cường hơn, bình đẳng giới hơn, cũng như một tương lai mạnh khỏe, thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()