tle=”Hòa Bình tăng cường cải thiện môi trường đầu tư” on click=”$('#gallery_459988227_1_299899').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Dây chuyền sản xuất ắc – quy khô của Công ty Đông A (Hàn Quốc) đang trong giai đoạn chạy thử trước khi đưa vào sản xuất chính thức.
Phát huy lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, có tuyến quốc lộ 6 nối liền với các tỉnh Tây Bắc; có đường Hồ Chí Minh đi qua bốn huyện tỉnh Hòa Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trong những năm gần đây, tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư vào địa phương nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 1.964 doanh nghiệp, 343 dự án bao gồm 324 dự án trong nước và 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 31 nghìn tỷ đồng, 123,6 triệu USD và đăng ký sử dụng 36.500 ha đất. Đã có khoảng 30% số dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút hàng chục nghìn lao động tại địa phương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tiềm năng
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Hòa Bình tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và là cửa ngõ vào vùng Tây Bắc của đất nước. Từ trung tâm thành phố Hòa Bình về Thủ đô Hà Nội chỉ có hơn 70 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 93 km và cách Cảng biển Hải Phòng 170 km, thuận tiện cho việc đi lại. Hòa Bình là vùng đất giàu tiềm năng, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có thể khai thác phát triển công nghiệp khai khoáng, tuyển luyện quặng kim loại và sản xuất vật liệu xây dựng, như vàng, sắt, nước khoáng, đá gra-nít, đá vôi, than đá, đất sét, cao lanh… Rừng sản xuất của tỉnh Hòa Bình có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván MDF, sản xuất dược liệu với nhiều loại dược thảo quý như củ bình vôi, dứa dại, xạ đen… Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Hòa Bình rất đa dạng và phong phú, có thể trồng cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.
Về giao thông, Hòa Bình có tuyến quốc lộ 6 đi qua, nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc của Tổ quốc, đường Hồ Chí Minh từ Xuân Mai – Hà Nội đến Thạch Thành (Thanh Hóa) đi qua bốn huyện của tỉnh, tuyến quốc lộ 12B từ Hòa Bình đi Ninh Bình, quốc lộ 21 nối Hòa Bình với thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Về đường thủy có sông Đà chảy qua địa phận với chiều dài 151 km, thuận lợi cho giao thông và giao lưu hàng hóa. Tuyến đường cao tốc Hòa Lạc – TP Hòa Bình đang được xây dựng sẽ là điểm nhấn để Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư, khi tuyến đường hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hòa Bình và Thủ đô Hà Nội.
Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ cho mở rộng khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn với diện tích 230 ha và phê duyệt bổ sung bảy KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quy hoạch xây dựng 17 cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Hệ thống cung cấp điện, nước và dịch vụ bưu chính viễn thông đã được đầu tư tới các địa phương trong tỉnh.
Về tài chính – ngân hàng, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay đã có ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh, với các loại dịch vụ như phone banking, home banking, rút tiền tự động bằng thẻ ATM tại Hòa Bình.
Về hạ tầng xã hội, từ trung tâm TP Hòa Bình đến các huyện trong tỉnh đều có các cơ sở y tế được đầu tư, trang bị tương đối hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hòa Bình có hơn 20 cơ sở dạy nghề, gần 20 khách sạn và nhiều nhà nghỉ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Đặc biệt, Hòa Bình có tiềm năng lớn và độc đáo để phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái với các địa danh nổi tiếng như suối khoáng Kim Bôi, chùa Tiên, vùng lòng hồ sông Đà, đền Thác Bờ với nhiều phong cảnh núi non hùng vĩ; bản Lác (Mai Châu) với những nét đẹp của văn hóa dân tộc Thái; các khu bảo tồn rừng đặc dụng…
Khuyến khích đầu tư
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 14, nhiệm kỳ 2010- 2015 tiếp tục khẳng định: 'Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ bên ngoài, huy động tối đa các nguồn lực trong tỉnh, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, đặt nền móng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong những giai đoạn tiếp theo'. UBND tỉnh Hòa Bình đã cụ thể hóa, xác định những lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Đồng thời, để tiếp tục tạo động lực mới cho sự phát triển, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
a) Về ưu đãi, các dự án đầu tư vào tỉnh Hòa Bình được miễn giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định theo quy định của pháp luật hiện hành; vay vốn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư hiện hành.
b) Hỗ trợ đầu tư, nhà đầu tư được cung cấp thông tin về môi trường và các chính sách đầu tư; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và những thông tin về sơ đồ vị trí, sơ đồ mốc giới trên nền bản đồ địa hình, trích lục bản đồ dải thửa địa điểm dự kiến đầu tư dự án.
Nhà đầu tư còn được hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, cung cấp thông tin, thị trường, được ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất từ Chương trình khuyến nông, khuyến công và Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư
Đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, trong những năm qua Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình có những chủ trương, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư với một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất là, làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương thu hút đầu tư, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu vai trò và lợi ích về dự án đầu tư, hợp tác với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để các nhà đầu tư tiếp cận, đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hòa Bình.
Về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các nhà đầu tư, tỉnh Hòa Bình đã vận dụng và cụ thể hóa những quy định của Nhà nước, phù hợp tình hình địa phương; dự án đầu tư vào các huyện Mai Châu, Đà Bắc được hưởng chế độ ưu đãi đối với vùng đặc biệt khó khăn; các huyện còn lại hưởng chế độ ưu đãi đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Theo quy hoạch, Hòa Bình có tám KCN được đưa vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 và đã có gần 100 dự án đầu tư vào các KCN. Các dự án đi vào sản xuất với những sản phẩm mới như thiết bị nguồn, ắc-quy, cháo ăn liền… đã góp phần làm đổi mới diện mạo ngành công nghiệp Hòa Bình. Để khuyến khích và nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án, Công ty An Thịnh có chủ trương giảm tiền thuê đất cho những dự án có suất đầu tư lớn đầu tư vào KCN Lương Sơn, đây cũng là chủ trương chung của tỉnh Hòa Bình.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất… Dành nguồn ngân sách hợp lý để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Thứ ba, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm tạo môi trường để thu hút đầu tư.
Thứ tư, nghiên cứu chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư.
Hòa Bình, điểm đến của các nhà đầu tư
Hòa Bình là tỉnh miền núi, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La.
Diện tích tự nhiên: 4.956,4 km2; đơn vị hành chính: Hòa Bình có 11 huyện và thành phố (TP Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Kỳ Sơn, Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy); dân số năm 2010 là khoảng 800 nghìn người, với nhiều dân tộc sinh sống Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông…
Tài nguyên khoáng sản: Hòa Bình có nhiều loại khoáng sản như: a-mi-ăng, than, nước khoáng, đá vôi, đất sét, đô-lô-mít, ba-rit, cao-lanh, đá ga-brô-di-a-ba, vàng, đồng, chì, kẽm, thủy ngân, an-ti-mon, py-rit, phôt-pho-rít, nước khoáng…
Hòa Bình hiện có tám KCN và 17 cụm công nghiệp.
Kết quả thực hiện: Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã có 1.964 doanh nghiệp hoạt động, 343 dự án. Đã có 103 dự án hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Gần đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận cho Tập đoàn BGT Slovensko (Cộng hòa Xlô-va-ki-a) là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Lạc Thịnh và đầu tư xây dựng các nhà máy tại huyện Yên Thủy với tổng mức vốn đầu tư khoảng 378 triệu ơ-rô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()