Hòa Bình phát triển cây ăn quả
(LSO) – Những năm qua, việc phát triển những loại cây ăn quả mới đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân tại xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng. Qua đó, kinh tế các hộ được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, hiện nay, xã Hòa Bình có 687 hộ gia đình với trên 3.000 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng ngô, kinh tế khó khăn. Từ những năm 2013 trở lại đây, trên địa bàn xã bắt đầu phát triển cây ăn quả: cam Canh, cam Vinh, bưởi, na… Đây là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Bình rất chú trọng trong việc phát huy thế mạnh cây ăn quả tại địa phương. Những năm qua xã thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chủ động thay thế những loại cây ăn quả lâu năm như: mận, hồng nhân hậu bằng những cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Hoàng Văn Long chăm sóc vườn cây ăn quả
Nắm bắt được chủ trương của xã, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ông Hoàng Văn Long, thôn Làng Càng 2, xã Hòa Bình là một trong những người tiên phong trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo ông Long, trồng cây cam Canh và cam Vinh nếu biết kỹ thuật chăm sóc thì không khó, mà thu nhập lại cao hơn trồng lúa, trồng ngô rất nhiều, thương lái đến tận vườn thu mua. Ông Long cho biết: “Nhà có lợi thế về đất đai, trước đây đất chủ yếu là trồng ngô, lúa và trồng mận nhưng thu nhập thấp. Qua vài lần đi chơi nhà bạn bè ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tôi thấy họ trồng nhiều cam đem lại thu nhập cao nên năm 2013, tôi đã bắt tay vào trồng. Mới đầu, tôi trồng hơn 300 gốc cam Canh và cam Vinh. Sau hơn 4 năm chăm sóc, đến năm 2018 vườn cam của gia đình đã cho thu hoạch, thu lãi được hơn 70 triệu đồng”. Đến nay, vườn của gia đình ông Long có hơn 1.000 gốc cam Vinh, cam Canh với nhiều độ tuổi, ông dự định trong năm 2020 sẽ chuyển toàn bộ diện tích đất vườn còn lại sang trồng cam.
Không chỉ riêng hộ ông Hoàng Văn Long, trên địa bàn xã cũng có rất nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh, cam đường Canh như hộ ông Hoàng Văn Mới, Vy Văn Đích…
Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả của toàn xã đã phát triển lên đến 121,94 ha, chủ yếu là các loại cây ăn quả như: na (74 ha), hồng (15,8 ha), bưởi (7,5 ha), cam (5 ha)… tập trung ở các thôn: Thống Nhất, Mỏ Ba, Đơn Xa, Làng Càng. Riêng từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 6, diện tích trồng mới cây ăn quả của xã đạt 35,25ha. Nhờ phát triển cây ăn quả đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,5 triệu đồng/người/năm, tăng 13,01 triệu đồng/người/năm so với năm 2016.
Phát triển cây ăn quả tại xã Hòa Bình cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Năm 2017, từ nguồn vốn phát triển sản xuất của huyện, xã đã có 2 hộ trồng cây ăn quả điển hình được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt lên đến 200 triệu (mỗi hộ được hỗ trợ 100 triệu). Tiếp đó vào năm 2018, xã còn được hỗ trợ 2.000 cây hồng vành khuyên cùng với 58 tấn phân bón. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng quả… Chỉ riêng từ đầu năm 2019, xã đã mở 2 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả.
Ông Vi Văn Thuyết, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả để người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, tranh thủ các nguồn lực về vốn, cây giống, phân bón, đầu tư hệ thống tưới tiêu để hỗ trợ nông dân chuyển đổi dần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
GIA KHÁNH - NGỌC MAI
Ý kiến ()