Các công trình thủy lợi ở Hòa Bình không chỉ góp phần tăng diện tích lúa cấy được 1 vụ lên 2 vụ, nhiều thửa trước đây chỉ trồng màu nay đã cấy được lúa mà còn góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa, ngô rồi ruộng lại bỏ không thì 2 năm trở lại đây, người nông dân đã năng động, mạnh dạn trồng thêm vụ thứ 3 trong năm. Tại một số thôn như: Tà Chu, Nà Mèo…hiện nay, ngoài cây lúa, người dân còn trồng thêm một số loại cây bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như thuốc lá và một số cây hoa màu khác...Có thể nói, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả, các công trình thủy lợi đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc xã Hòa Bình.
LSO-Hoà Bình là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, địa hình đa phần là đồi núi. Đời sống của bà con nông dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của các công trình thuỷ lợi đối với sản xuất nên trong những năm qua, xã Hoà Bình đã sử dụng và phát huy tốt hiệu quả các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.
Trước đây, do chưa có công trình thuỷ lợi, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên năm nào mưa thuận gió hoà thì bà con nông dân trong xã được mùa, còn năm nào thời tiết không thuận lợi thì năng suất lúa đạt rất thấp, nhiều năm mất mùa. Ông Lăng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Từ năm 1999 đến nay, được sự quan tâm của Nhà nước, từ chương trình 135 và các chương trình khác, xã Hoà Bình đã được đầu tư 5 công trình thuỷ lợi ở các thôn: Bản Ruộc, Khuổi Nhuần, Tà Chu, Bản Mèo, Khuổi Khinh…Ngoài ra, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, hàng năm, trên cơ sở xi măng nhà nước hỗ trợ, bà con nông dân đã tự làm được trên 10 phai đập nhỏ. Nhờ có các công trình thuỷ lợi, hiện 70% diện tích đất nông nghiệp của xã đã chủ động được nước tưới. Hiện tượng mất mùa do khô hạn kéo dài đã giảm đáng kể. Xác định được vai trò quan trọng của công tác thuỷ lợi đối với sản xuất nên cấp uỷ, chính quyền đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân nâng cao ý thức trong sử dụng, đưa nước từ các công trình thuỷ lợi về đồng ruộng. Hàng năm, xã đều tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống các công trình thủy lợi, những hỏng hóc nhỏ đều được quan tâm sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, xã còn phát động phong trào ra quân đầu xuân, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng, đảm bảo đưa nước về đồng ruộng một cách thuận tiện, hiệu quả. Vì vậy, diện tích lúa 2 vụ đã tăng từ 25 ha năm 2006 đến nay lên 36 ha. Năng suất tăng từ 30 tạ/ha năm 2006 đến nay lên 45 tạ/ha. Đặc biệt, có những thửa ruộng trước đây thường xuyên bỏ không hoặc chỉ trồng được ngô và một số cây hoa màu khác với năng suất thấp thì nay, nhờ chủ động được nước tưới nên các thửa ruộng này đã cấy được lúa, nhiều thửa còn cấy được 2 vụ trong năm. Bà Hoàng Thị Ân, thôn Tà Chu cho biết: gia đình có 3 sào lúa, trước đây do không chủ động được nước tưới nên chỉ có 2 sào cấy được 1 vụ lúa trong năm, còn 1 sào chỉ trồng được 1 vụ ngô. Nhưng kể từ khi thôn được đầu tư công trình thủy lợi, chủ động được nguồn nước nên cả 3 sào đã cấy được lúa và đều cấy được 2 vụ trong năm, năng suất thì tăng lên đáng kể nên gia đình bà cũng như nhiều hộ trong thôn đều rất phấn khởi. Cũng như gia đình bà Ân, bà Hoàng Thị Tươi, thôn Bản Ruộc cho biết: gia đình bà có 1 mẫu ruộng, trước đây số ruộng cấy được 2 vụ lúa không đáng kể. Nhưng kể từ khi được đầu tư công trình thủy lợi, diện tích lúa cấy được 2 vụ đã tăng lên 50%. Có đủ nước nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao hơn hẳn.
Các công trình thủy lợi ở Hòa Bình không chỉ góp phần tăng diện tích lúa cấy được 1 vụ lên 2 vụ, nhiều thửa trước đây chỉ trồng màu nay đã cấy được lúa mà còn góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa, ngô rồi ruộng lại bỏ không thì 2 năm trở lại đây, người nông dân đã năng động, mạnh dạn trồng thêm vụ thứ 3 trong năm. Tại một số thôn như: Tà Chu, Nà Mèo…hiện nay, ngoài cây lúa, người dân còn trồng thêm một số loại cây bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như thuốc lá và một số cây hoa màu khác…Có thể nói, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả, các công trình thủy lợi đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc xã Hòa Bình.
Đức Anh
Ý kiến ()