Hòa Bình nỗ lực cấp nước sạch cho vùng nông thôn
Nhân dân nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Với địa hình chủ yếu là đồi, núi, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, tuy nhiên trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã có các giải pháp để đưa nước hợp vệ sinh đến với nhiều bản, làng vùng sâu, vùng xa và vùng cao. Có nước hợp vệ sinh sử dụng, nhân dân địa phương không còn cảnh phải đi hàng chục km để lấy nước suối, sông về dùng trong sinh hoạt hằng ngày.Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình Nghiêm Văn Nghĩa cho biết, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, bể nước mưa, các công trình cấp nước sạch tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh...
|
Giám đốc Trungtâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình Nghiêm Văn Nghĩa cho biết, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, bể nước mưa, các công trình cấp nước sạch tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đã đạt 80%, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 52%. Để đạt được thành quả này là do tỉnh đã huy động toàn bộ sự tham gia của các cấp, ngành và hầu hết các nguồn lực tài chính cộng với sự tham gia của nhân dân các dân tộc vào chương trình. Đồng thời, triển khai thực hiện lồng ghép vốn từ các chương trình dự án khác để tăng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa công tác cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu nên việc đầu tư xây dựng các loại hình cấp nước sinh hoạt cũng được chính quyền địa phương quan tâm và có giải pháp cấp nước hợp lý. Theo đó, việc áp dụng dự án cấp nước có công nghệ xử lý cao, quản lý vận hành phức tạp được áp dụng ở những khu tập trungdân cư như thị trấn, thị tứ, khu trungtâm cụm xã. Có như vậy mới đào tạo được công nhân kỹ thuật trong quá trình quản lý, vận hành, thao tác trong việc xử lý nước và có điều kiện thu được kinh phí qua việc bán nước sinh hoạt cho nhân dân, từ đó có vốn để tái đầu tư và mở rộng. Đối với các vùng khác cũng như những địa phương thuộc vùng sâu, vùng cao, khi được đầu tư xây dựng dự án cấp nước thường áp dụng theo phương thức sử dụng nước truyền thống để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Các giải pháp cấp nước ở đây chỉ đòi hỏi các công nghệ xử lý nước đơn giản, quản lý thao tác vận hành không phức tạp như hệ thống cấp nước tự chảy, giếng đào, giếng mạch lộ, bể nước mưa.
Xã Quy Mỹ, huyện Tân Lạc có hơn 450 hộ với 1.800 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Trước đây, để có nguồn nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhân dân phải lấy nước từ khe đồi, khe suối và giếng đào vừa tốn công sức, vừa không bảo đảm vệ sinh. Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã Quy Mỹ được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung. Nguồn nước được lấy từ hang Đắng, bơm lên bể lọc và theo hệ thống đường ống chính về các xóm, bản. Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, đến nay công trình đang phát huy hiệu quả, cung cấp nước ổn định, thường xuyên, bảo đảm hợp vệ sinh cho các hộ dân bốn xóm của xã và xóm Kha, xã Địch Giáo. Để đạt được kết quả đó, ngay sau khi có chủ trương đầu tư, UBND xã đã tổ chức họp với các trưởng xóm, thông báo công khai trong cộng đồng dân cư mục đích, yêu cầu, phương thức xây dựng công trình và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo đó, trong quá trình thi công, các hộ dân đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động trị giá 10% công trình. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, các hộ dân tự mua đường ống dẫn nước từ trục chính dẫn về nhà, lắp đặt đồng hồ để tiện cho quản lý, sử dụng. Sau khi tiếp nhận đưa vào sử dụng, UBND xã cũng đã giao cho HTX điện năng trực tiếp quản lý. Đồng thời tổ chức họp dân thảo luận thống nhất nội dung quy ước quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, thu phí và bảo vệ công trình; hướng dẫn, vận động, tuyên truyền các gia đình sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và có trách nhiệm trong bảo vệ công trình. Hằng tháng chốt số đồng hồ đo và thu lệ phí sử dụng nước để có kinh phí phục vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình.
Nằm trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, nhiều núi đá vôi, không có mạch nước ngầm nên người dân xã vùng cao Hang Kia, huyện Mai Châu thường xuyên chịu cảnh khan hiếm nước trầm trọng. Hằng năm, vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), hơn 557 hộ người dân tộc Mông với 3.077 khẩu ở năm thôn phải đi xa hàng chục cây số để lấy nước sinh hoạt. Nhiều gia đình phải mua nước từ Tân Sơn chở vào với giá cao hơn 300.000 đồng/m3 nước. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, tháng 10 –2009, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã khởi công xây dựng công trình nước sạch quy mô lớn tại xã Hang Kia. Công trình gồm các hạng mục đập ngăn nước suối, bể lọc, hệ thống đường ống và ba bể ngầm chứa nước với dung tích 12.000 m2. Sau gần hai năm xây dựng, đến nay công trình nước sạch xã Hang Kia trị giá 26 tỷ đồng đã được hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu được sử dụng nước hợp vệ sinh để dùng trong sinh hoạt vào mùa khô cho 50% số hộ trong xã. Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia Vàng A Váu cho biết, để quản lý công trình cấp nước sinh hoạt này, xã đã thành lập Ban quản lý công trình nước sạch, có bốn hộ dân tham gia quản lý, vận hành và bảo trì công trình, nhằm khai thác có hiệu quả công trình, bảo đảm nhân dân trên địa bàn thường xuyên có nước sử dụng trong sinh hoạt để không chịu cảnh thiếu nước trong mùa khô như trước đây.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 – 2015, Hòa Bình phấn đấu tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn đạt 90%, số gia đình được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 80% và số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 65%. Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực của trungương, địa phương cũng như sự tham gia đóng góp của nhân dân. Đồng thời, mở các lớp tập huấn quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các công trình cấp nước tập trung. Từ các lớp tập huấn đó, sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quản lý, vận hành sau đầu tư cho những cán bộ quản lý các công trình nhằm bảo đảm các công trình cấp nước sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế đối với những vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()