Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, có 73 xã (chiếm tỷ lệ 34,7%) và 89 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Những năm qua, địa phương này đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cấp các trạm y tế cấp xã (tuyến y tế cơ sở – YTCS) từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao và ĐBKK.
Hiệu quả hoạt động của tuyến YTCS
Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc đúng lúc tập thể y bác sĩ của trạm đang tập trung cấp cứu cho người bệnh Vũ B là cán bộ của huyện xuống cơ sở làm việc. Anh B có tiền sử tăng huyết áp, nhưng lần này lại bị tụt huyết áp đột ngột. Đây là trường hợp đầu tiên mà Trạm Y tế Ngọc Mỹ gặp phải. Trạm trưởng, bác sĩ Bùi Thị Sung phải gọi điện lên xin Bệnh viện huyện Tân Lạc cho hướng xử lý ban đầu và cử người xuống hỗ trợ. Theo đó, bác sĩ Trần Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Tân Lạc đã kịp thời có mặt để cấp cứu cho anh B qua khỏi cơn nguy kịch và chuyển anh về bệnh viện huyện điều trị tiếp. Cũng với hình thức này, trước đó một tuần, Trạm Y tế Ngọc Mỹ đã cấp cứu thành công cho sản phụ Trần Thị Ng, 21 tuổi có thai lần đầu đến trạm để sinh nhưng bị rách cổ tử cung và mất nhiều máu (do có tiền sử u xơ cổ tử cung nhưng sản phụ không khai vào bệnh án) nguy hiểm đến tính mạng. Kết quả, chị Trần Thị Ng đã 'sinh nở mẹ tròn con vuông' với một cháu gái khỏe mạnh, nặng 2,8 kg trong niềm vui mừng của mọi người thân trong gia đình. Cách cấp cứu này nằm trong chuyên đề 'Chỉ đạo tuyến' của ngành y tế Hòa Bình và áp dụng có hiệu quả trong nhiều năm qua. Bác sĩ Bùi Thị Sung cho biết, Trạm Y tế xã Ngọc Mỹ có bảy cán bộ, nhân viên đều là nữ bao gồm một bác sĩ, hai y sĩ (đa khoa và đông y), hai điều dưỡng trung học, một nữ hộ sinh và một dược sĩ trung học. Trạm y tế của xã được phân công theo dõi và triển khai các chương trình, mục tiêu y tế quốc gia đến từng người dân. Bình quân mỗi cán bộ, nhân viên của trạm phụ trách khoảng 2 – 3 chương trình. Trong khi đó, có những thôn, bản cách trạm y tế tới 15 km. Đây là một thử thách đối với các chị em trong trạm. Song ý thức được trách nhiệm của mình, chị em trong trạm thường xuyên động viên nhau thu xếp công việc gia đình hợp lý để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xứng đáng với niềm tin cậy của bà con dân bản. Từ nhiều năm nay trên địa bàn xã Ngọc Mỹ không có dịch bệnh lớn hoặc không có người bệnh bị chết do không được cứu chữa kịp thời.
Trạm y tế xã Đồng Nghề (Đà Bắc ) được xây dựng từ nguồn vốn chương trình 135, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Thạc sĩ y khoa Bùi Thị Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế Hòa Bình cho biết, Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng tuyến YTCS, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao và ĐBKK. Đã có 207/210 xã, phường trong tỉnh có trạm y tế. Tuyến YTCS ở Hòa Bình hiện có 1.200 nhân viên y tế; trong đó có 124 bác sĩ và 461 y sĩ. Tính bình quân, mỗi trạm có biên chế từ bốn đến sáu cán bộ, nhân viên và bốn giường bệnh; hơn 60% số trạm có bác sĩ. Mỗi trạm y tế cấp xã đều được trang bị dụng cụ cơ bản theo quy định của Bộ Y tế, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao như chăm sóc sức khỏe ban đầu; cung cấp thuốc thiết yếu; điều trị các bệnh thông thường… Tuyến YTCS ở Hòa Bình còn có hơn 2.000 nhân viên y tế thôn, bản được đào tạo nghiệp vụ y tế từ ba tháng trở lên. Hệ thống y tế thôn bản được xem như 'cánh tay nối dài' của trạm y tế các xã và không thể thiếu được đối với các tỉnh miền núi như Hòa Bình. Nhân viên y tế thôn, bản có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục sức khỏe, hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, sơ cứu ban đầu và chữa các bệnh thông thường cho nhân dân tại địa bàn. Một số trạm y tế còn sử dụng nhân viên y tế thôn, bản để thành lập đội chuyển tuyến hỗ trợ dựa vào cộng đồng. Đội này được trang bị những vật dụng cần thiết như xe đạp, võng cáng, áo mưa, đèn pin và sẵn sàng chuyên chở người bệnh cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên trong bất kỳ tình huống, thời gian nào. Trên thực tế, hoạt động của đội chuyển tuyến hỗ trợ dựa vào cộng đồng phù hợp các xã vùng sâu, vùng xa và ĐBKK.
Những khó khăn và giải pháp khắc phục
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, hầu hết các trạm y tế cấp xã ở Hòa Bình đều xây dựng từ trước năm 1996 có quy mô, diện tích nhỏ lại hư hỏng, dột nát không bảo đảm cho việc khám, chữa bệnh. Trang thiết bị y tế của hầu hết các trạm đều được cấp từ khi còn là tỉnh Hà Sơn Bình cho nên đã xuống cấp. Nhân viên các trạm phải tự mua sắm để sử dụng. Về nguồn nhân lực, tỷ lệ bác sĩ (BS) và dược sĩ đại học (DSĐH)/mười nghìn dân hiện đang công tác tại các đơn vị công lập thuộc tuyến YTCS ở Hòa Bình mới chỉ đạt 3,7 BS và 0,09 DSĐH. Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện Đề án 'Đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học tuyến y tế cơ sở tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 – 2020', phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ BS, DSĐH phục vụ tại tuyến YTCS là 7 BS và 1,5 DSĐH/mười nghìn dân; 100% số trạm y tế cấp xã có bác sĩ; đủ số lượng bác sĩ theo quy định cho các đơn vị y tế tuyến huyện. Những đối tượng tham gia Đề án phải cam kết làm việc lâu dài tại tuyến YTCS ở Hòa Bình, được đào tạo theo các hệ chính quy, cử tuyển, chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ và được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo. Song có một thực tế là tỷ lệ học sinh của Hòa Bình hằng năm đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chưa nhiều, nhất là vào các trường y – dược thì quá khiêm tốn. Thí dụ, Dự án 'Nâng cấp dịch vụ y tế cộng đồng tỉnh Hòa Bình' do Chính phủ Bỉ tài trợ đã hỗ trợ khoảng 100 y sĩ đi ôn thi vào hệ đại học chuyên tu nhằm bổ sung đủ bác sĩ cho các trạm y tế cấp xã, nhưng chỉ có hơn 20 người thi đỗ, vào học tại Trường đại học Y Thái Nguyên. Trong khi đó các cơ chế ưu đãi của tỉnh Hòa Bình chưa đủ sức hấp dẫn thu hút những người ở nơi khác đến làm việc. Vì vậy, trong Đề án cần điều chỉnh tăng tỷ lệ đào tạo hệ cử tuyển có ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa và ĐBKK để tăng nguồn nhân lực tại chỗ.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, Thầy thuốc Nhân dân Quách Đình Thông, để có những giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng tuyến YTCS đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, cần phải đưa tuyến YTCS về quản lý theo ngành dọc. Hiện tuyến YTCS ở Hòa Bình vẫn chịu sự quản lý của bốn cơ quan chức năng. Trong đó UBND cấp xã quản lý nguồn tài chính, cơ sở hạ tầng cho nên thường xuyên xảy ra tình trạng nợ lương của nhân viên y tế hoặc bớt xén định mức chi thường xuyên của trạm (10 triệu đồng/trạm/năm) để làm việc khác. Cũng do có tới bốn cơ quan chức năng cùng tham gia quản lý dẫn đến tình trạng 'cha chung không ai khóc' và khó tìm được sự thống nhất trong việc huy động các nguồn lực chăm lo cho tuyến YTCS phát triển ổn định, lâu dài. Trước thực trạng trên, ngày 31-12-2010, Bộ Y tế tiếp tục có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thống nhất giao cho Trung tâm Y tế huyện quản lý trạm y tế cấp xã theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLB -BYT – BNV ngày 25-4-2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Giám đốc Quách Đình Thông cho rằng, làm được như vậy sẽ khắc phục tình trạng khép kín mọi hoạt động cũng như việc điều động, sử dụng nhân lực ở mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mặt khác, khi Sở Y tế làm đầu mối chính thì sẽ có điều kiện huy động mọi nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho trạm y tế xã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân tại địa phương.
Ý kiến ()