Hòa Bình loay hoay với việc xử lý rác
Khu xử lý rác thải tại xã Yên Mông xây dựng xong nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có kinh phí di dời các hộ dân chung quanh. Đã nhiều năm trôi qua, nơi chôn lấp và xử lý rác thải tại thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) vẫn là việc gây nhức nhối trên địa bàn. Nguyên nhân là do bãi chôn, lấp rác tạm đã quá tải so với năng lực chôn, lấp và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân quanh vùng. Trong khi đó, khu xử lý rác thải được xây dựng quy mô hơn 20 tỷ đồng tại xã Yên Mông đã hoàn thành năm 2009, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, không hoạt động được, đang có nguy cơ xuống cấp.Ô nhiễm môi trường nghiêm trọngVào những năm thành phố Hòa Bình còn là thị xã, lượng rác thải trên địa bàn được tập kết tại dốc Tức, phường Hữu Nghị, nhưng khi bãi rác thải này không còn chứa nổi, thành phố đã chủ động xây dựng bãi rác tạm tại dốc Búng phường Tân Hòa và đưa vào sử dụng từ đầu...
Khu xử lý rác thải tại xã Yên Mông xây dựng xong nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có kinh phí di dời các hộ dân chung quanh. |
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Vào những năm thành phố Hòa Bình còn là thị xã, lượng rác thải trên địa bàn được tập kết tại dốc Tức, phường Hữu Nghị, nhưng khi bãi rác thải này không còn chứa nổi, thành phố đã chủ động xây dựng bãi rác tạm tại dốc Búng phường Tân Hòa và đưa vào sử dụng từ đầu quý II năm 2004 đến năm 2006 thì đã lấp đầy. Từ đó đến nay, lượng rác thải của thành phố cũng như khu vực phụ cận vẫn hằng ngày tiếp tục đổ về bãi rác tạm này. Hiện nay, rác tại đây đã chất cao vài mét, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân chung quanh. Với diện tích 5.000 m2, bãi rác duy nhất của thành phố này không có hệ thống xử lý rác thải, nước thải cũng như tường bao xây chắn chung quanh. Do vậy, bãi rác tạm lộ thiên đang gây ô nhiễm môi trường, không khí cho người dân sống quanh khu vực. Chỉ cần đứng cách bãi rác vài trăm mét cũng đã ngửi thấy mùi hôi, thối, hóa chất xử lý, nhất là vào mùa hè, trời nắng nóng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Xuân Chiếm, người dân tổ 11, phường Tân Hòa bức xúc, nhiều năm nay, bãi rác tạm này đang đầy lên hằng ngày. Khu dân cư của chúng tôi ở gần bãi rác, nên bị ô nhiễm không khí, nguồn nước nghiêm trọng. Mặc dù vậy, chính quyền thành phố vẫn chưa thật sự vào cuộc để khắc phục tình trạng này, trả lại môi trường trong lành cho nhân dân.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường từ mùi hôi, thối, hóa chất mà nước thải từ bãi rác tạm này cũng đang hằng ngày “đầu độc” nhân dân quanh vùng. Do không được xử lý, nước bị ô nhiễm nặng từ bãi rác xả thẳng xuống sông Đà. Theo phản ánh của người dân sống quanh đây, thì trời nắng nước bị ô nhiễm “trút” xuống còn ít, nhưng nếu vào ngày mưa to, nước đổ ra như lũ thông qua hệ thống cống từ bãi rác xuống thẳng sông Đà, đen ngòm cả một bên phía có bãi rác án ngữ. Nước sông ô nhiễm, không chỉ gây thiệt hại về sản xuất mà còn ảnh hưởng đến gần 200 hộ dân ở tổ 11 và 12 phường Tân Hòa. Cũng theo ông Trần Xuân Chiếm, hiện nay người dân ở tổ 11 và 12 sinh sống gần sông, trong khi đó đa số lại sử dụng nước sông để tắm, giặt cũng như ăn, uống hằng ngày, nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Nguy hiểm hơn nữa là cống thoát nước thải từ bãi rác tạm ra sông Đà lại khá gần với cửa lấy nước cho Nhà máy nước Vinaconex cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hà Nội. Người dân sống quanh khu vực này đang mong muốn các cấp, ngành địa phương cần nhanh chóng giải tỏa bãi rác tạm này và quan tâm đến việc cung cấp nước sạch cho người dân.
Do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của nhân dân nên Công ty cổ phần Môi trường đô thị thành phố Hòa Bình (đơn vị thu gom, vận chuyển và tập kết rác thải tại bãi rác tạm) đã bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nhiều lần. Gần đây nhất, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty 249 triệu đồng do thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường; chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định về bảo vệ môi trường đối với trường hợp chôn lấp, thải chất thải rắn đến từ 500 m3 trở lên và xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 10 m3/ngày. Đồng thời thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu công ty kiến nghị UBND thành phố Hòa Bình khẩn trương đưa bãi rác mới vào hoạt động và đóng cửa bãi rác tạm tại dốc Búng, thực hiện nghiêm việc chôn lấp chất thải rắn theo quy định; có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn quốc gia.
Bãi rác bỏ hoang
Nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường không khí cũng như nguồn nước cho nhân dân trên địa bàn, thành phố Hòa Bình đã chủ động triển khai xây dựng một khu xử lý rác thải với quy mô 20 ha có thể hoạt động trong vòng 20 năm tại xã Yên Mông, tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 21 tỷ đồng. Tuy đã xây dựng xong từ năm 2009, nhưng hiện nay khu xử lý rác thải này vẫn “đắp chiếu”, không đưa vào hoạt động được do người dân sống quanh vùng ngăn cản. Do hoàn thành đã lâu, không đưa vào sử dụng, các công trình như khu xử lý rác, bãi chứa rác, nhà điều hành, nhà làm việc, đường, điện… bỏ hoang, cỏ mọc và đang có nguy cơ xuống cấp. Trong khi đó, bãi rác tạm vẫn hằng ngày phải nhận hơn 80 m3 rác của thành phố và các khu vực phụ cận. Những người dân ở đây cho rằng, theo văn bản của Nhà nước trước đây, phạm vi ảnh hưởng từ bãi rác đến nơi có dân sinh sống bán kính là 300 m thì trên địa bàn có 20 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng và đã nhận tiền đền bù. Nhưng theo quy định mới, phạm vi ảnh hưởng là 500 m thì số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng hơn 200 hộ cần phải di dời. Tuy nhiên, hiện nay thành phố chưa đền bù, xây khu tái định cư, nên người dân không di chuyển và không cho đổ rác vào bãi rác này.
Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Quách Tùng Dương cho rằng, mặc dù thành phố biết bãi rác tạm đã quá tải, nhưng vẫn chưa có cách nào xử lý triệt để. Bởi người dân sống quanh khu xử lý rác tại Yên Mông ngăn cản không cho đổ rác vào bãi mới. Khó khăn lớn nhất hiện nay của thành phố là thực hiện đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải di dời các hộ dân trong vòng bán kính 500 m từ bãi rác đi nơi khác. Hiện nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đồng ý để thành phố xây khu tái định cư ở cách xa 500 m so với bãi rác. Tuy nhiên, đây lại là đất trồng lúa, nên phải chờ Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Hơn nữa việc xây khu tái định cư mới cho khoảng 220 hộ dân thì rất khó khăn do thành phố không đủ kinh phí. Muốn xây dựng khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đời sống của các hộ dân thì sẽ cần nguồn vốn khá lớn, ngoài tầm tay của thành phố, trong khi đó ngân sách của tỉnh thì có hạn.
Hiện nay bãi rác tạm tại dốc Búng ngày càng quá tải nặng nề và bị đưa vào diện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, thành phố Hòa Bình vẫn đang loay hoay với câu chuyện rác thải và người dân vẫn hằng ngày phải chịu ô nhiễm nghiêm trọng không khí cũng như nước thải từ bãi rác tạm này. Nếu không xử lý kịp thời những vướng mắc, có lẽ người dân quanh bãi rác tạm tại dốc Búng sẽ còn phải chịu cảnh ô nhiễm lâu dài, còn khu xử lý rác thải có quy mô lớn, đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn phải “đắp chiếu”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()