Hòa Bình: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch
Từ ngày 11 – 15/7/2012, Tổng cục Du lịch tổ chức chuyến công tác thực tế tại các tỉnh Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn là trưởng đoàn. Ngày 11/7/2012, tại TP. Hòa Bình, Tổng cục Du lịch đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.
Tham dự buổi là việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Trần Đăng Ninh, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hòa Bình và các sở, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo các vụ chức năng Tổng cục Du lịch.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Ngọc Lâm đã thông tin về tình hình phát triển Du lịch Hòa Bình. Năm 2011, Du lịch Hòa Bình đón trên 1,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 90.000 lượt người, khách nội địa đạt trên 1,2 triệu lượt, thu nhập du lịch đạt 490 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng lượng khách tham quan du lịch là 801.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 65.500 lượt, khách nội địa là 735.500 lượt, thu nhập khoảng 240 tỷ đồng. Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Ngọc Lâm cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục của Du lịch Hòa Bình như công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn triển khai chậm, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu và yếu; công tác xúc tiến quảng bá chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa có Trung tâm xúc tiến du lịch; về phát triển sản phẩm du lịch còn yếu do hoạt động du lịch trên địa bàn chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, tập trung vào lưu trú, chưa có nhiều khu, điểm vui chơi giải trí; đồng thời, đề xuất với Tổng cục Du lịch hỗ trợ Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Hòa Bình trong thời gian tới; hỗ trợ tuyên truyền quảng bá về du lịch Hòa Bình; hỗ trợ chuyên gia tư vấn phát triển sản phẩm du lịch trên lòng hồ sông Đà và thu hút đầu tư phát triển Du lịch Hòa Bình.
Về sản phẩm du lịch Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đăng Ninh cho biết: Hòa Bình cón nhiều sản phẩm du lịch như du lịch tâm linh (thác Bờ; động Tiên – Lạc Thủy); du lịch MICE đã thu hút được khách, hiện nay một khách sạn 5 sao đang được khởi công; du lịch thể thao có sân golf Phonex thu hút nhiều khách quốc tế đến từ Hàn Quốc; về nghỉ dưỡng có suối khoáng nóng Kim Bôi và Nam Thượng đang được đầu tư (cách Hà Nội 70km); trekking Mai Châu, đạp xe từ Hạ Long đến Hòa Bình rồi sang Lào, Campuchia; bảo tàng không gian văn hóa Mường…
Đánh giá về những điểm mạnh, điểm yếu của Du lịch Hòa Bình, TS. Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viên Nghiên cứu phát triển Du lịch cho biết: thế mạnh tiêu biểu của Du lịch Hòa Bình là giá trị văn hóa Mường. Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam xác định: khu lòng hồ Hòa Bình là khu du lịch chuyên đề quốc gia, do đó Hòa Bình nên tập trung gắn kết văn hóa Mường và các dân tộc khác với việc phát triển du lịch sinh thái trên lòng hồ; đồng thời, cần có cơ chế thu hút đầu tư, tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa Hòa Bình với Sơn La, Điện Biên kết nối với nước bạn Lào. Đại diện các vụ chức năng của Tổng cục Du lịch cũng đã gợi mở nhiều giải pháp để thúc đẩy Du lịch Hòa Bình như xây dựng logo và slogan; thành lập trung tâm xúc tiến du lịch trực thuộc Sở VHTTDL; đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch.
Kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ về tiềm năng và tài nguyên nổi bật gắn với hồ Hòa Bình nhưng dường như mới chỉ là ngắm cảnh. Văn hóa Mường rất hấp dẫn từ phong tục tập quán, không gian sống…; cảnh quan thiên nhiên đẹp; suối khoáng nóng Kim Bôi; vị trí liền kề với Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với dân số khá đông. Bước đầu Du lịch Hòa Bình đã gắn kết được một số điểm đến; thu hút được nhà đầu tư sân Golf 54 lỗ, lớn nhất ở Việt Nam – đây là sự đột phá về quy mô, và một khách sạn lớn; thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động… Tuy nhiên, Du lịch Hòa Bình cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Từ nhận thức về du lịch, thiếu sản phẩm du lịch; chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế; doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp lữ hành quốc tế; công tác quản lý nhà nước còn yếu.
Về định hướng phát triển, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn gợi ý: để phát triển, phải có nhận thức đúng về du lịch; phải có sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá phải gắn với thị trường, nên tập trung vào thị trường khách Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc và thị trường khách từ Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng; nhận thức về xu hướng tác động đến thị trường. Cần phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng như tinh thần Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đã xác định. Doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công, do đó cần tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch. Liên kết phát triển du lịch trên tuyến đường quốc lộ 6 giữa Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên. Cần sớm triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hòa Bình cần có tầm nhìn xa, xây dựng sản phẩm gắn với hồ Hòa Bình, tham quan làng bản xunh quanh hồ; khai thác văn hóa bản địa gắn với dân tộc Mường. Kiểm soát chất lượng dịch vụ từ môi trường, nhà vệ sinh, cơ sở lưu trú; tăng cường nhân lực cho phòng du lịch và thành lập trung tâm xúc tiến du lịch; đào tạo nhân lực du lịch; thống kê du lịch và điều tra du lịch; nên có liên kết 3 tỉnh Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên. TCDL sẽ phối hợp với Hòa Bình xây dựng sản phẩm du lịch gắn với hồ Hòa Bình…
Ý kiến ()