Hòa Bình: Công trình nước sinh hoạt chưa phát huy hiệu quả
(LSO) – Từ sự quan tâm của Nhà nước, những năm qua, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan được đầu tư công trình nước sinh hoạt phục vụ đời sống cho người dân. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn sử dụng, nhiều công trình không phát huy được hiệu quả như mong đợi, một số hạng mục đã và đang xuống cấp.
Công trình nước sinh hoạt tại thôn Trung Thượng được xây dựng từ năm 2007, gồm 6 bể chứa nước nhằm cấp nước cho người dân trong thôn và các cơ quan, trường học, trạm y tế xã. Tuy nhiên, khi được đưa vào khai thác, sử dụng chưa được bao lâu thì một số bể xuống cấp, không sử dụng được và bỏ hoang do không có nước.
Bà Hoàng Thị Kiêm, nhà ở ngay cạnh công trình cấp nước sinh hoạt này chia sẻ: “Mặc dù có bể chứa nước ở ngay trước nhà nhưng tôi và các hộ dân xung quanh đây không được dùng nước ở bể đó vì không có nước về, các van nước cũng bị hỏng và gãy hết. Trước năm 2018, gia đình tôi còn phải bơm nước suối lên để tắm giặt, nhưng đến cuối năm 2018, gia đình tôi cố gắng mua mấy trăm mét vòi để kéo nước từ khe về”.
Một bể chứa nước tại thôn Trung Thượng bị hư hỏng và không sử dụng được
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn La, trưởng thôn Trung Thượng cho biết: Thôn được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt, tuy nhiên, gần 10 năm nay, người dân trong thôn đã không được sử dụng nước từ một số bể chứa nước thuộc công trình này. Ở đây có trường học, trạm y tế xã nhưng nước nguồn không về các bể nên trường học đã phải tự khoan giếng để có nước sinh hoạt, nhưng lượng nước không nhiều.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, xã Hòa Bình được đầu tư xây dựng 3 công trình nước sạch tại 3 thôn: Hà Quảng, Nà Văng, Trung Thượng gồm ống dẫn nước và bể chứa tại các thôn, qua đó đã đáp ứng phần nào nhu cầu nước sinh hoạt của bà con trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, các công trình đều hư hỏng, xuống cấp, hiệu quả sử dụng không đạt theo thiết kế. Do vậy, các hộ dân trên địa bàn muốn có nước sinh hoạt thì tự kéo vòi dẫn nước từ các khe dọc về, một số hộ thì khoan giếng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã có tổng số 20 bể chứa nước thuộc 3 công trình cấp nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư, tuy nhiên, đến nay chỉ còn 11 bể chứa nước còn sử dụng được; 9 bể chứa nước không hoạt động, bể cạn nước, thành bể bị vỡ nứt, hệ thống ống dẫn nước đứt, gãy. Một số gia đình chọn cách khoan giếng để lấy nước nhưng nguồn nước không đảm bảo vì nước có mùi bùn, một số hộ khoan giếng sử dụng được một thời gian thì nước không lên nữa.
Đề cập đến nguyên nhân những công trình nước sinh hoạt ở Hòa Bình xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp, ông Hoàng Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã được xây dựng từ lâu, nhiều thiết bị công trình bị hỏng. Cùng với đó, các công trình này được xây dựng ở khu vực đồi núi, đường ống dài đi qua nhiều khe suối và cách xa khu dân cư nên việc bảo quản, trông coi không thường xuyên. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc gìn giữ, tham gia bảo vệ các công trình cấp nước còn hạn chế, một số người dân tự tiện đục đường ống để lắp vòi dẫn nước về nhà dẫn đến tình trạng các công trình cấp nước hư hỏng và hiệu quả sử dụng thấp.
Thiết nghĩ việc đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con vùng sâu vùng xa là một chương trình có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, trước thực trạng các công trình xuống cấp, bỏ hoang, không chỉ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư lớn của nhà nước mà người dân lại không được thụ hưởng lợi ích từ sự hỗ trợ thiết thực đó. Vì vậy, để công trình nước sinh hoạt phát huy được hiệu quả rất cần có sự vào cuộc của chính quyền sở tại, trong đó việc thành lập các tổ tự quản lý công trình cần được nghiên cứu, triển khai. Bởi thực tiễn đã chứng minh, nơi nào thành lập được tổ tự quản lý, vận hành, thì nơi đó công trình cấp nước đều phát huy hiệu quả.
NGỌC MAI
Ý kiến ()