Hố Vạng: Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới
Cụ Nguyễn Thị Nhất hiến hơn 130m2 đất để mở đường trục chính thôn Hố Vạng |
Ngoài 70 tuổi, chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng cụ Nguyễn Thị Nhất vẫn còn minh mẫn. Cụ kể: đầu năm 2013, nhân dân trong thôn bàn tính mở rộng và bê tông hóa con đường trục chính từ đường tỉnh 242 vào đến trung tâm thôn. Chiều dài tuyến đường chỉ cỡ 200m, nhưng đây là con đường rất quan trọng, có tác dụng rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nền đường cũ chỉ là bờ thửa bé tẹo, muốn mở rộng sẽ phải qua ruộng, vườn của nhiều gia đình. Thêm vào đó, việc thi công cũng không phải dễ bởi phải kè bờ đường, tôn cao nền đường, rất tốn lực. Lúc bấy giờ, theo kế hoạch, tuyến đường sẽ ăn sâu vào mảnh vườn trước cửa nhà cụ Nhất.
Hôm ấy thấy trưởng thôn đến nhà, cụ đoán ngay được chuyện. Cụ bảo: sức thì không góp gì được, tiền của cũng chẳng dôi dư bởi cụ là hộ nghèo nhưng đất thì cụ có, tập thể cần thì cứ lấy. Các con thấy thế, khuyên cụ: bằng ấy đất cũng là khối tiền đấy mẹ à. Cụ Nhất gạt ngay, cụ và cụ ông đã tính trước rồi, làm được đường to, rộng, lợi cho cộng đồng thì chút đất có nghĩa gì. Mỗi nhà một ít mới làm được nông thôn mới.
Mảnh đất vườn rộng hơn 130 m2 của gia đình cụ Nhất hiến cho tập thể đã khơi thông được khó khăn. Cả thôn Hố Vạng chung sức đồng lòng đóng góp tới hơn 2 triệu đồng/hộ. Cũng với xi măng hỗ trợ của nhà nước, con đường “chiến lược” của Hố Vạng đã hoàn thành theo đúng chuẩn nông thôn mới. Hợp với các tuyến đường nhánh đạt chuẩn trước đó, hệ thống đường liên thôn, liên gia của Hố Vạng được bê tông hóa đạt hơn 80%.
Nhanh tay khơi nốt tuyến mương nhánh, anh Vi Văn Khiêm cười sang sảng: giờ thì đất Hố Vạng chẳng bao giờ khát nước. Chỉ cách đây 4 năm, mặc dù có trạm bơm điện nhưng các tuyến mương nội đồng của Hố Vạng toàn mương đất. Ruộng cuối nguồn chẳng bao giờ có nước, người ta tranh nhau chích mương xả nước vào ruộng mình. Sản xuất vì thế không phát triển được, mà trong thôn cứ dăm ngày lại có xô xát, cãi cọ vì nước. Thế rồi từ năm 2011, phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động. Xem, nghe cách làm ở nhiều nơi, người Hố Vạng quyết tâm kiên cố hóa kênh mương. Trưởng thôn Hoàng Văn Đạo nhớ lại: quả thực chưa làm thì nghĩ khó nhưng khi bàn rồi bắt tay vào làm mới thấy người dân mình cũng quyết tâm lắm, vấn đề đặt ra hợp lòng dân là dân ủng hộ.
Trong vòng chưa đầy 4 năm, với sự chung sức đồng lòng, thôn Hố Vạng đã bê tông hóa hoàn toàn các tuyến mương nội đồng, đấu nối với tuyến mương chính. Hố Vạng là thôn đầu tiên trong xã thành lập tổ điều tiết, quản lý và bảo dưỡng mương nội đồng. Kinh phí người trong thôn tự nguyện đóng góp bằng thóc. Cứ mỗi sào ruộng 3 vụ, chủ ruộng góp cho tổ điều tiết 2 kg thóc/năm. Hơn 40 mẫu ruộng chờ nước nay đã canh tác được quanh năm. Tỷ lệ nghèo của Hố Vạng giảm từ trên 15% xuống chỉ còn chưa đầy 7%.
Đưa tôi đi thăm nhà văn hóa còn thơm mùi hồ, trưởng thôn Hoàng Văn Đạo phấn khởi: ngoài hỗ trợ của nhà nước, 106 hộ gia đình trong thôn đóng góp trên 100 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Khảo sát một cách tổng quát, Hố Vạng cơ bản đáp ứng được các tiêu chí nông thôn mới đã đề ra. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình ấy chính là người dân đã hiểu về nông thôn mới và cùng đoàn kết, chung tay xây dựng, phát huy được vai trò của chủ thể.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết: việc chuyển hướng lấy thôn làm địa bàn là hướng đi rất hiệu quả. Các công trình, cách làm đều do người dân đưa ra và thực hiện. Mỗi gia đình đều phấn đấu là gia đình nông thôn mới, hình thành nên thôn nông thôn mới và từ đó mới có xã nông thôn mới.
Là xã triển khai nông thôn mới trong giai đoạn 2015-2020, Minh Tiến thực sự đã tạo dựng được nền tảng nông thôn mới vững chắc. Những thôn điển hình như Hố Vạng, Bến Cốn đã và đang tạo ra phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn trong toàn xã.
Ý kiến ()