Hỗ trợ xuất khẩu vật liệu xây dựng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng (VLXD) năm 2017 đạt khoảng 1,67 tỷ USD, trong đó sản phẩm xi-măng đạt 780 triệu USD, đá và gạch ốp lát đạt 570 triệu USD, sứ vệ sinh đạt 120 triệu USD, kính xây dựng đạt 200 triệu USD… |
Trong những tháng đầu năm 2018, mức tăng trưởng xuất khẩu VLXD tiếp tục tăng, góp phần giảm áp lực tiêu thụ trong nước vốn đã khá căng thẳng, thậm chí cung vượt cầu của một số chủng loại VLXD. Có thể thấy, dư địa xuất khẩu VLXD còn khá cao và khá thuận lợi so với những năm trước khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt các hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với sản xuất trong nước, dẫn đến nguồn cung VLXD trên thị trường xuất khẩu giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu muốn đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu VLXD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu VLXD chưa có chiến lược giới thiệu quảng bá sản phẩm, thiếu sự liên kết hợp tác, chia sẻ thông tin thị trường nhằm nâng cao giá trị của mặt hàng xuất khẩu, dẫn đến dễ bị đối tác lợi dụng, ép giá. Ðồng thời, chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng VLXD chưa ổn định, thủ tục hành chính về xuất, nhập khẩu còn phức tạp, kéo dài cộng thêm khả năng vận chuyển, logistics hạn chế làm phát sinh chi phí, giảm tính cạnh tranh của mặt hàng VLXD xuất khẩu. Nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nói chung và VLXD nói riêng, cần những chính sách tổng thể của nhiều ngành, nhiều cấp. Trước hết cần tập trung cải cách thủ tục hành chính trong việc xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Ðồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm VLXD trong nước đã sản xuất được, phù hợp với cam kết của Việt Nam khi tham gia các tổ chức thương mại quốc tế hay các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Ðồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá, chống nhập lậu hàng hóa VLXD, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống, việc mở rộng, tìm kiếm thị trường mới rất quan trọng và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan thương mại tại nước ngoài. Kênh thông tin này đóng vai trò tiền đề, tham mưu để các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu, mở rộng xuất khẩu. Với đặc thù là hàng cồng kềnh, dễ hư hỏng khi vận chuyển, chất lượng giảm sút khi để lâu…, việc tính toán để giảm chi phí logistics rất quan trọng (thường chiếm tới 20% giá thành sản phẩm). Do vậy, một mặt tiếp tục tăng cường phối hợp các bộ, ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu VLXD cần liên kết chặt chẽ để cùng nhau xuất những đơn hàng lớn tại cùng một thị trường, góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả xuất khẩu… |
Theo Nhandan
Ý kiến ()