Hỗ trợ vùng khó khăn giảm nghèo nhanh và bền vững
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a) qua triển khai đã tạo chuyển biến rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo trên cả nước. Chung tay cùng Nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã hỗ trợ, khai thác thế mạnh của từng địa phương, từ đó góp phần tạo sức bật để thật sự thoát nghèo bền vững.
Lai Châu là tỉnh miền núi có sáu trong tổng số 61 huyện nghèo trên cả nước. Thực hiện sự chỉ đạo và phân công của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai hỗ trợ ba huyện nghèo của Lai Châu gồm: Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ. Với tổng kinh phí 980,2 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ của EVN đã được chính quyền và nhân dân đánh giá cao, đặc biệt, năm 2018, hai huyện Than Uyên và Tân Uyên trở thành điển hình của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước.
Thay đổi tư duy sản xuất
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Lai Châu (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc-EVN), tính đến hết ngày 31/12/2021, các huyện theo Chương trình 30a của Lai Châu đã được đầu tư khoảng 820 tỷ đồng vào việc nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Cụ thể, huyện Than Uyên đến nay đã hoàn thành cấp điện lưới quốc gia cho tất cả các xã (đạt 100%); 130 thôn bản có điện trong tổng số 131 (99%); số hộ có điện đạt 99,8%. Huyện Tân Uyên và Phong Thổ cũng đã hoàn thành cấp điện cho tất cả các xã; số thôn bản có điện và số hộ có điện đạt gần 100%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung đánh giá, Chương trình 30a đã giúp Phong Thổ nói chung và các xã của Phong Thổ nói riêng có điều kiện để tổ chức sản xuất, có nguồn lực để hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi đời sống cũng như phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Hệ thống lưới điện được đầu tư đã giúp 99,6% số hộ gia đình trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là sự đầu tư lớn, tích cực và có trách nhiệm của ngành điện đối với huyện Phong Thổ, góp phần làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, đời sống của người dân.
Từ khi có điện, người dân có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông nghe nhìn, hỗ trợ nhiều cho địa phương trong công tác tuyên truyền, nhất là trong thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư sản xuất, phát triển nông thôn mới. Có điện cũng giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, mở đầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nếu như trước đây việc chế biến nông sản hoàn toàn thủ công thì nay bà con đã biết ứng dụng máy móc, cơ giới hóa; mô hình sản xuất cũng có thay đổi với việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Chủ Cơ sở sản xuất chè Đức Hạnh (Tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) Nguyễn Xuân Khá cho biết: Trước đây việc đưa máy móc vào sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn điện chưa ổn định, nên việc chế biến chè chủ yếu là thủ công, mỗi dây chuyền đòi hỏi ít nhất 10 công nhân làm việc. Nhưng từ khi có điện lưới quốc gia, ông Khá đã mạnh dạn đầu tư máy móc lắp đặt hai dây chuyền chế biến chè xanh và chè đen, năng suất vẫn đạt 20-25 tấn chè tươi/ngày mà chỉ cần 1-2 công nhân đứng máy. Nhờ vào đó, kinh tế của gia đình ông Khá cũng được cải thiện rõ rệt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Vươn lên thoát nghèo
Có thể thấy, việc đầu tư, cấp điện tới các xã, thôn bản, hộ dân khu vực nông thôn có ý nghĩa xã hội rất lớn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân, nhất là các hộ nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của các huyện nghèo. Theo Chương trình 30a, EVN còn hỗ trợ các huyện nghèo của Lai Châu xây dựng các “nhà bán trú dân nuôi”, tạo điều kiện cho các em học sinh nhà xa trường có chỗ nghỉ ổn định, tạo điều kiện tốt hơn trong học tập, góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, từng bước tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, EVN đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khác như “xóa nhà tạm” cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo, mang lại chỗ ở ổn định, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai các “mô hình sản xuất nông nghiệp” nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, tạo điều kiện cho bà con được tiếp xúc với tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; “đào tạo nghề” cho con em các hộ nghèo có nghề trong tay, việc làm ổn định, tạo thu nhập cho bản thân cũng như phụ giúp gia đình nâng cao điều kiện kinh tế;…
Các nội dung nêu trên đã tạo động lực cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện về chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành chia sẻ, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, EVN xác định, quá trình thực hiện phải kiên trì, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích. Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện.
Đến nay, chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ba huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung, chúng tôi rất vui mừng khi đã đóng góp được một phần công sức của mình trong đó và cũng tự hào khi đã thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền.
Theo Nhandan
Ý kiến ()