Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất theo Chương trình 135: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo
(LSO) – Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo theo Chương trình 135 đã góp phần giúp người dân ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Gia đình ông Hứa Văn Phẳn là một trong số những hộ nghèo của xã Song Giang, huyện Văn Quan, hằng năm được hỗ trợ phân bón, cây giống hồng vành khuyên từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135. Từ năm 2016 đến nay, gia đình ông trồng và chăm sóc được gần 6 ha hồng vành khuyên, 1 ha mận. Sau 3 năm được thu hoạch, năm 2019, vườn hồng, mận của gia đình ông Phẳn cho sản lượng hơn 2 tấn, thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, đến tháng 10/2019, gia đình ông Phẳn đã được bình xét ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ông Phẳn chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã được đầu tư cây con, phân bón, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, nhà tôi tiếp tục được hỗ trợ 114 cây hồng vành khuyên. Từ giờ, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống no đủ hơn.
Được hỗ trợ giống cây trồng và phân bón, đến tháng 10/2019, gia đình ông Hứa Văn Phẳn (xã Song Giang, huyện Văn Quan) đã thoát nghèo
Ngoài gia đình ông Phẳn, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã Song Giang có 34 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số vật tư nông nghiệp trị giá 218 triệu đồng. Ông Hứa Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Song Giang vui mừng cho biết: Từ nguồn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, xã đã tổ chức họp dân, khảo sát nhu cầu của người dân ở các thôn để tìm cây trồng, vật nuôi, vật tư hỗ trợ phù hợp. Nhờ đó, các gia đình đã có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Qua rà soát, đến thời điểm này, toàn xã có 37/94 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,7%.
Cùng với Song Giang, từ nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất, xã Tân Lập (huyện Bắc Sơn) đã xây dựng thành công mô hình trồng cam đường Canh với hơn 20 hộ tham gia, cho thu nhập dao động từ 40 đến 300 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Doãn Ninh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: Ngoài việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng ở các vùng miền núi thì việc hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từng bước thoát nghèo. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã giảm được 41 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,6% (năm 2018 là 24%).
Thực tế trên cho thấy, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo theo Chương trình 135 đã góp phần thiết thực giúp đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Một số mô hình đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng như: mô hình trồng hồng không hạt tại các xã Hòa Cư, Hải Yến (huyện Cao Lộc); mô hình nuôi bò bán chăn thả tại xã Cường Lợi (huyện Đình Lập)…
Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 đến nay, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đã hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng với 258.683 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 cho 22.263 hộ thụ hưởng, 188 mô hình dự án với tổng kinh phí hơn 33,8 tỷ đồng.
Ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Với 92,76% hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS, việc bố trí các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất thiết thực đã đa dạng sinh kế cho đồng bào DTTS với nhiều mô hình giảm nghèo bền vững. Để tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình 135, phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững đối với vùng đồng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 28/4/2017) phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Lạng Sơn có 1.125 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có 141 thôn đặc biệt khó khăn ở 63 xã thuộc khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135. |
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()