Hỗ trợ trồng rừng ở Bắc Kạn cần đồng bộ giữa chính sách và thực tế
Chính phủ đã có nhiều Chương trình, mục tiêu trong việc bảo vệ và phát triển rừng, như Chương trình trồng 5 triệu ha rừng trong cả nước; trồng rừng theo Quyết định 661, 147, song việc triển khai còn nhiều bất cập, không đồng bộ giữa chính sách và thực tế.
Chính phủ đã có nhiều Chương trình, mục tiêu trong việc bảo vệ và phát triển rừng, như Chương trình trồng 5 triệu ha rừng trong cả nước; trồng rừng theo Quyết định 661, 147, song việc triển khai còn nhiều bất cập, không đồng bộ giữa chính sách và thực tế.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Tỉnh ủy Bắc Kạn, từ năm 2010-2015, Bắc Kạn sẽ trồng mới 60.000 ha rừng. Như vậy trung bình mỗi năm địa phương phải trồng được 12.000 ha. Đây là một trong những mục tiêu rất khó, bởi trước đó, mỗi năm Bắc Kạn chỉ trồng được từ 5.000-7.000 ha. Nhưng đây là nhiệm vụ chính trị nên trong 2 năm 2011-2012, mỗi năm toàn tỉnh đã trồng được trên 13.000 ha. Năm 2013 tỉnh cũng đặt mục tiêu trồng mới 12.500 ha. Cho đến thời điểm 30/6, đã trồng được gần 11.000 ha, số diện tích còn lại trồng thông, xoan, thời vụ trồng đến 15/8 mới kết thúc.
Theo ông Đàm Văn Chiến, Chi Cục trưởng Chi Cục Lâm nghiệp Bắc Kạn thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, mà khó nhất là thiếu vốn. Tổng nhu cầu vốn bảo vệ và phát triển rừng năm 2013 của Bắc Kạn là gần 112.520 triệu đồng, trong khi vốn được giao mới có 33.131 triệu đồng, còn thiếu đến trên 69.142 triệu đồng. Kế hoạch tỉnh giao là rất lớn, nhưng với số vốn được cấp như hiện nay chỉ ưu tiên cho trồng rừng mới, bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy có xâm hại cao, còn việc chăm sóc rừng trồng sản xuất từ 2010-2012, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, giao khoán bảo vệ rừng, khoán khoanh nuôi rừng tái sinh chưa bố trí được vốn.
Việc trồng rừng đã khó, bảo vệ và phát triển để thành rừng cho hiệu quả cao lại càng khó, không có vốn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác trồng rừng, nếu không có quyết tâm cao, không có chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền thì khó có thể hoàn thành được mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng. Bởi người dân khi đăng ký trồng rừng thường nhìn vào kinh phí hỗ trợ để thuê nhân công, nhưng khi không có tiền, sẽ không thuê được người làm. Đặc biệt với những vùng khó khăn, dân nghèo, nếu không có kinh phí hỗ trợ, bản thân người dân cũng không thể đi trồng rừng được, do còn phải đi kiếm ăn hàng ngày.
Theo hướng dẫn số 03/2012/TTLT, Thông tư liên tịch giữa Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính về việc thực hiện QĐ/66/TTg thì mức hỗ trợ cũng rất khác nhau, có tính đến đặc thù vùng các xã đặc biệt khó khăn và vùng các xã không phải đặc biệt khó khăn. Theo đó kinh phí Trung ương hỗ trợ cho các xã ngoài vùng đặc biệt khó khăn được là 2,25 triệu đồng/ha, nghĩa là chỉ được hỗ trợ giống và phân bón. Còn các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cho việc trồng gỗ lớn (thời gian khai thác trên 10 năm) là 4,5 triệu đồng/ha; trồng gỗ nhỏ (thời gian khai thác dưới 10 năm) là 3 triệu đồng/ha.
Như vậy ngoài việc được hỗ trợ giống, phân, người dân những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ tiền công trồng. Nghĩa là người dân đi trồng rừng cho mình nhưng vẫn có tiền công để chi tiêu hằng ngày. Ngoài ra, để thực hiện tốt mục tiêu trồng và bảo vệ rừng, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã có NQ01/2011 hỗ trợ thêm cho tất cả các vùng 500.000 đồng/ha để bảo vệ chăm sóc rừng trong 2 năm đầu.
Ngày 22/7, trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Hà Văn Khoát, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chỉ ra nhiều bất cập giữa chính sách và thực tiễn, trong đó có việc ban hành chính sách rất cụ thể, thiết thực với việc xây dựng nông thôn, nông nghiệp và có lợi cho dân. Tuy vậy, việc thực thi chính sách rất khó do nguồn kinh phí cấp từ Trung ương không kịp thời, không đảm bảo và địa phương thường bị động trong việc lập dự án, giải ngân… do vẫn phải đảm bảo các quy định bắt buộc về quy trình thời gian. Ở Bắc Kạn được Chính phủ Ai-len tài trợ một vài dự án, việc khảo sát, lập quy hoạch của họ lâu, nhưng giải ngân lại rất nhanh, còn của ta lập dự án nhanh, nhưng giải ngân lâu ?
Chẳng hạn như gia đình ông Hoàng Sùn Chiêu, nguyên Trưởng thôn Khuổi Luông, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm. Năm ngoái gia đình ông đăng ký trồng 8 ha rừng, theo chính sách được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, nhưng thực tế ông mới được hỗ trợ giống và phân, còn lại chưa có tiền. Để trồng được 8 ha rừng, ông phải thuê người làm và phải làm đơn vay của Ngân hàng chính sách xã hội 25 triệu đồng, nên chỉ thanh toán một phần công lao động cho người làm, còn lại phải nợ.
Khi chính sách của Nhà nước đưa ra đều đã có nghiên cứu, phân tích tính cấp thiết, tính khả thi, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, môi trường của người dân miền núi nói riêng và môi trường khí hậu nói chung, giúp người dân làm kinh tế rừng, xóa nghèo bền vững. Nhưng nếu tình trạng bất cập giữa chính sách và việc cấp kinh phí chậm chễ như hiện nay, sẽ làm mất lòng tin của người dân.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()