Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo
Chị Tô Thị In, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng tham gia mô hình trồng và chăm sóc dưa các loại
–Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1719), nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ cây, con giống để xây dựng các mô hình kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia đình ông Vi Văn Phúc, thôn Nà Pất, nhiều năm liền là hộ cận nghèo của xã Vân An, huyện Chi Lăng. Năm 2023, ông được tham gia mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm từ nguồn vốn tiểu dự án 2, dự án 3 thuộc Chương trình 1719. Gia đình ông được hỗ trợ 150 con vịt giống, thức ăn chăn nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vỗ béo đàn gia cầm. Ông Vi Văn Phúc bộc bạch: Từ nguồn vốn hỗ trợ, tôi đã xây dựng chuồng trại, mua thuốc về tiêm phòng cho đàn vịt. Sau 3 tháng chăm sóc, trọng lượng trung bình mỗi con từ 2,5 – 3kg, rằm tháng 7 năm 2023, tôi xuất bán vịt với giá thành 100 nghìn đồng/kg, lãi hơn 20 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi vịt để tăng thu nhập ổn định kinh tế gia đình.
Theo ông Hoàng Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vân An, thực hiện Chương trình 1719, năm 2023, xã đã triển khai 1 mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm có quy mô 5.000 con với 33 hộ dân tham gia, 2 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 208 con, 104 hộ dân tham gia, tổng số vốn các dự án trên 950 triệu đồng. Trong đó, mô hình chăn nuôi vịt đã cho thấy hiệu quả. Sau 3 tháng chăn nuôi đúng kỹ thuật, các hộ dân tham gia mô hình đã xuất bán gần 14 tấn vịt hơi, trừ chi phí chăn nuôi, mỗi hộ lãi khoảng 20 triệu đồng. Từ thành công của mô hình, cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Cũng là một trong những xã được thụ hưởng tiểu dự 2, dự án 3 của Chương trình 1719, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc đã xây dựng mô hình trồng và chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ, tổng số vốn 280 triệu đồng với 34 hộ tham gia. Triển khai mô hình, xã đã cấp 28.500 cây hồi giống cho bà con trồng mới 57 ha, hỗ trợ trên 27 tấn phân bón hữu cơ cho các hộ dân để cải tạo, chăm sóc 41 ha diện tích cây hồi đã cho thu hoạch. Sau gần 1 năm triển khai mô hình, đến nay, cây hồi sinh trưởng, phát triển tốt, đối với các diện tích chăm sóc, cải tạo, cây giảm tỷ lệ sâu bệnh hại, tỉ lệ sai hoa cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những cây hồi trồng truyền thống.
Bà Hà Thị Minh, cán bộ nông, lâm, địa chính xã Xuân Long cho biết: Xã có trên 1.700 ha rừng, 100% là rừng sản xuất, trong đó diện tích hồi là 980 ha. Triển khai mô hình, chúng tôi tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc hồi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất. Chỉ hơn 1 tháng nữa, những diện tích chăm sóc trong mô hình sẽ cho thu hoạch, dự kiến năng suất hoa hồi sẽ cao hơn 20% so với năng suất cây hồi trồng thông thường. Cuối năm 2023, chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình này với 40 hộ tham gia ở thôn Long Sơn, Long Quế. Từ đó, giúp người dân dần bỏ thói quen trồng và khai thác hồi truyền thống, hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa để nâng cao chuỗi giá trị.
Thực hiện tiểu dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc dự án 3, Chương trình 1719 từ năm 2021 – 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đến các địa phương để hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có thêm sinh kế thoát nghèo. Đến hết năm 2023, tỉnh đã triển khai 14 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 24 dự án mô hình chăn nuôi, 30 dự án mô hình trồng trọt, 476 hộ tham gia liên kết dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị trên địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện các dự án, mô hình trên 84 tỷ đồng.
Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để các hộ trực tiếp tham gia sản xuất từng bước vươn lên. Đến nay, một số dự án, mô hình đã cho thấy hiệu quả bước đầu như: dự án trồng và chăm sóc dưa các loại, trồng cây khoai tây ở xã Chiến Thắng, xã Liên Sơn và chăn nuôi vịt thương phẩm ở xã Vân An (Chi Lăng); dự án trồng và chăm sóc cây hồi theo hướng hữu cơ ở Xuân Long (Cao Lộc);…
Những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời của Nhà nước đã góp phần giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2023 xuống còn 6,02%, giảm 2,9% so với năm 2022. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, triển khai các dự án, mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng khu vực, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con ổn định cuộc sống.
HOÀNG HƯƠNG
Ý kiến ()