Hỗ trợ sản xuất trong xây dựng nông thôn mới: Bước chuyển ở Tràng Định
(LSO) – Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tràng Định đã lựa chọn hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả.
Giai đoạn 2010 – 2019, từ nguồn vốn xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Tràng Định đã triển khai 43 mô hình phát triển sản xuất, trong đó có 15 mô hình trồng trọt, 20 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình lâm nghiệp và 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tổng kinh phí thực hiện trên 33,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 14,5 tỷ đồng.
Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình xây dựng NTM, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã rà soát, lựa chọn các mô hình phù hợp, có điều kiện phát triển, nhân rộng trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn. Sau đó thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt việc triển khai thực hiện các mô hình để kịp thời có sự điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn.
Người dân xã Tân Tiến chăm sóc cây quế
Từ sự hỗ trợ của nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của huyện, các xã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các mô hình. Xã Cao Minh là một ví dụ. Ông Trịnh Thế Truyền, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Từ lâu, cây quế đã đem lại thu nhập cho một số hộ dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, kỹ thuật, kinh nghiệm còn thiếu nên diện tích quế không mở rộng được.
Giai đoạn 2016 – 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, xã đã lựa chọn hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình trồng quế với gần 200 hộ tham gia. Để thực hiện mô hình, nhà nước đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng. Qua đó, nhân dân đã trồng được trên 500 ha cây quế. Đến nay, một số diện tích quế, người dân đã thu hoạch tỉa cho thu nhập 200 – 300 nghìn đồng/ngày. Dự kiến 2 – 3 năm tới, khi quế đến tuổi thu hoạch chính thức sẽ đem lại thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha.
Tương tự như ở Cao Minh, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, huyện Tràng Định đã lựa chọn hỗ trợ cho nhiều hợp tác xã, hộ gia đình để xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như Hợp tác xã nông sản sạch Tràng Định. Năm 2019, hợp tác xã đã được hỗ trợ 600 triệu đồng (vốn đối ứng gần 400 triệu đồng) để triển khai dự án nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản Tràng Định với tổng diện tích 70 ha. Để triển khai thực hiện dự án, đơn vị đã được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy sấy thóc, tổ chức hội nghị tập huấn khoa học kỹ thuật… Hợp tác xã liên kết với các hộ dân ở các xã cánh đồng. Trong đó, người dân yên tâm tập trung sản xuất, hợp tác xã đảm bảo đầu ra. Năm đầu tiên thu hoạch, lúa Bao thai hồng của hợp tác xã đem lại nguồn thu 46 – 53 triệu đồng/ha; lúa nếp Ong vàng đem lại nguồn thu 80 – 95 triệu đồng/ha, tăng từ 20 đến 30% giá trị trên cùng diện tích. Kết quả đó không chỉ góp phần tăng doanh thu cho hợp tác xã mà còn trực tiếp nâng cao thu nhập, đổi mới hình thức sản xuất cho người nông dân trên cùng diện tích canh tác.
Cùng với 2 mô hình trên, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, huyện Tràng Định đã triển khai thêm nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình trồng thạch đen, mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mía, cây dược liệu… Năm 2020, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện được trên 5 tỷ đồng và thời điểm này, huyện đang tiếp tục chỉ đạo việc lựa chọn các mô hình phù hợp để hỗ trợ người dân phát triển thêm các mô hình sản xuất. Từ đó tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn được 9,1 triệu đồng/người/năm thì hiện nay, thu nhập bình quân tăng lên 35 triệu đồng/người/năm.
Ý kiến ()