Hỗ trợ sản xuất - Điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số
(LSO) – Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 24/2/2017 của UBND tỉnh, đời sống của bà con dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các bản làng.
Theo chân cán bộ xã Mẫu Sơn – xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình, chúng tôi đến thăm một số mô hình sản xuất của đồng bào dân tộc Dao. Nơi đây có những vườn đào, mận đang ra hoa liền kề những ruộng lúa, ngô, rau màu xanh mướt. Đây là nguồn thu nhập chính của đồng bào nơi đây.
Ông Triệu Sành Vẳng, thôn Trà Ký kể: Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ phân bón, hạt giống, gia đình tôi và các hộ nghèo trong thôn, mỗi hộ được cấp 5 kg ngô giống và hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc cây. Nhà tôi dùng cho 2 vụ, vụ xuân gieo 3 kg được 4 sào, vụ mùa gieo 2 kg được hơn 2 sào. Mỗi sào thu được gần 200 kg ngô hạt, bán giá 7.000 đồng/kg. Nhờ đó đời sống được cải thiện hơn nhiều.
Gia đình chị Vi Thị Thành (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) bảo quản ngô hạt sau khi thu hoạch
Cùng với ông Vẳng, năm 2018, xã Mẫu Sơn có 136 hộ nghèo người dân tộc Dao ở 8/8 thôn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất với trên 16 tấn phân bón NPK và 680 kg giống ngô (trị giá 272 triệu đồng). Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết: Mỗi năm các hộ nghèo người dân tộc thiểu số trong xã được thụ hưởng chương trình hỗ trợ cây, con giống đã từng bước nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Cuối năm 2018, xã có 18 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38,46%.
Không chỉ riêng Mẫu Sơn, hiện toàn tỉnh có 4.238 hộ, 17.421 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 7 huyện (Lộc Bình, Đình Lập, Hữu Lũng, Cao Lộc, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định) được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Riêng năm 2018, những hộ gia đình này đã được hỗ trợ hơn 800 tấn vật tư nông nghiệp, 1.010 kg hạt giống, 12.221 con giống (gà, vịt, lợn), 7.786 kg thức ăn chăn nuôi (tổng trị giá gần 8,8 tỷ đồng).
Để các địa phương triển khai có hiệu quả, ngay sau khi giao vốn cho xã làm chủ đầu tư, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội – Dân tộc các huyện đã phối hợp tuyên truyền, định hướng cho bà con lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Bà Dương Thị Thanh Thịnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2018, huyện Bắc Sơn tiếp nhận hơn 1,7 tỷ đồng vốn hỗ trợ sản xuất. Trên cơ sở kinh phí này, phòng đã phối hợp với các xã nắm bắt nhu cầu và tổng hợp danh sách để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho 883 hộ nghèo người dân tộc Dao, Mông ở 7 xã: Trấn Yên, Nhất Tiến, Nhất Hòa, Tân Hương, Tân Tri, Vạn Thủy, Tân Thành.
Nhờ sự triển khai, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả thực tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm xuống còn 16,7% (giảm 3% so với năm 2017).
Để tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở các xã đặc biệt khó khăn, ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, người có uy tín ở các thôn, xã, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời chỉ đạo tuyên truyền và định hướng cho người dân lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()