Hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tại Gia Lai, Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức Hội thảo "Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên" với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.Thời gian qua, JICA được sự tạo điều kiện và cho phép của Chính phủ đã triển khai một số dự án ở Việt Nam bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Ở Tây Nguyên, dự án được triển khai với tên gọi: "Hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân để giảm nghèo" được thực hiện từ năm 2009 đến 2014 tại huyện Mang Yang của Gia Lai, giúp đồng bào phát triển ổn định sản xuất, tự tổ chức sản xuất đã cho kết quả tốt và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích có thể xây dựng hoàn thiện chính sách hỗ trợ và triển khai mở rộng.Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận tập trung chia sẻ...
Thời gian qua, JICA được sự tạo điều kiện và cho phép của Chính phủ đã triển khai một số dự án ở Việt Nam bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Ở Tây Nguyên, dự án được triển khai với tên gọi: “Hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân để giảm nghèo” được thực hiện từ năm 2009 đến 2014 tại huyện Mang Yang của Gia Lai, giúp đồng bào phát triển ổn định sản xuất, tự tổ chức sản xuất đã cho kết quả tốt và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích có thể xây dựng hoàn thiện chính sách hỗ trợ và triển khai mở rộng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận tập trung chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển sản xuất; thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm hướng đến hỗ trợ hiệu quả cho đồng bào DTTS, vùng núi, huyện nghèo; đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án, trước mắt là triển khai tại năm tỉnh Tây Nguyên, nhằm giúp người nghèo, đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
* 200 lao động tham gia Hiệp hội cao-su Việt Nam
Tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội cao-su Việt Nam vừa tổ chức đại hội tổng kết nhiệm kỳ II, bàn phương hướng nhiệm kỳ III (2012-2014). Đến nay, Hiệp hội đã có 144 hội viên. Diện tích cao-su toàn ngành đạt hơn 815 nghìn ha với gần 150 nghìn hộ nông dân và 200 nghìn lao động tham gia Hiệp hội. Sau khi kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ II, Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ III do đồng chí Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam làm Chủ tịch.
* Quảng Ngãi thành lập các tổ sản xuất rau an toàn
UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết, đã thành lập năm tổ sản xuất rau an toàn tại xã Nghĩa Dũng với gần 240 hộ dân chuyên sản xuất rau tham gia. Mỗi tổ có từ 22 đến 36 hộ trở lên (trong đó có tổ trưởng, tổ phó) trực tiếp điều hành sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Dự án trồng rau an toàn có tổng diện tích gần 140.000 m2. Đây là vùng rau an toàn tập trung, quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và công nghệ truy nguyên nguồn gốc xuất xứ bằng mã vạch.
* Sửa đổi, bổ sung quy định phân vùng khai thác thủy sản
Chính phủ ban hành Nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về phân vùng khai thác thủy sản, quy định cụ thể, vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mực nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ. Đối với các địa phương có đảo, UBND cấp tỉnh căn cứ vào sự cần thiết và đặc điểm cụ thể của từng đảo quy định vùng biển ven bờ của các đảo đó, nhưng giới hạn không quá 6 hải lý, tính từ mực nước thủy triều thấp nhất của đảo.
Nghị định cũng quy định rõ các tàu phải có sổ thuyền viên, người lao động có hợp đồng…
* Bắc Giang xuất khẩu hơn 40.680 tấn vải thiều
Sở Công thương Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trên địa bàn tỉnh vụ này đạt hơn 109 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu đạt hơn 40.680 tấn, chiếm 40% tổng sản lượng. Hầu hết vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn và Hà Giang. Giá vải tươi tại đầu mối trung tâm Lục Ngạn từ 9.000 đến 30.000 đồng/kg, các huyện khác từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu tại các cửa khẩu trung bình từ 16.000 đến 34.000 đồng/kg.
Để tránh tình trạng ùn ứ hàng, chèn ép giá, Sở Công thương Bắc Giang đã khuyến cáo các thương lái chủ động tìm kiếm khách hàng, thị trường và hợp đồng tiêu thụ trước khi vận chuyển tới nơi bán.
Theo Nhandan
Ý kiến ()