Hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục hậu quả mưa lũ
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đến 16 giờ ngày 30-7 đã có 74 cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh đăng ký tham gia ủng hộ với số tiền gần 34 tỷ đồng.
* Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phát động đợt quyên góp ủng hộ nhân dân khắc phục thiên tai do mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tại buổi phát động, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), mặc dù cũng chịu thiệt hại nặng do mưa lũ, vẫn ủng hộ tỉnh Quảng Ninh 10 tỷ đồng hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
* Chiều 30-7, thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gửi thư thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội ủng hộ Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh số tiền bốn tỷ đồng để góp phần khắc phục những khó khăn, mất mát do mưa lũ.
* Để chuyển toàn bộ 1.500 khách du lịch đang mắc kẹt trên đảo Cô Tô trong nhiều ngày nay do thời tiết xấu, chiều 30-7, Bộ Tư lệnh Hải quân và tỉnh Quảng Ninh đã điều động một tàu hải quân ra đảo. Tàu hải quân sẽ chạy quay vòng liên tục, nhiều chuyến để chuyển tải khách từ Cô Tô ra đến Cửa Đối, sau đó các tàu khác sẽ đưa khách vào bờ.
* Ngày 30-7, Bộ Y tế quyết định xuất cấp một xuồng cứu nạn; 40 cơ số thuốc phòng chống lụt bão (PCLB); 40 bộ dụng cụ PCLB; 150 áo phao cứu sinh; một triệu viên khử khuẩn Cloramin B; 200 nghìn viên khử khuẩn Aquatabs; 10 nhà bạt cho Sở Y tế Quảng Ninh. Bộ Y tế cũng hỗ trợ Ban quân dân y (Quân khu 3) 30 cơ số thuốc PCLB; 500 nghìn viên khử khuẩn Cloramin B và 100 áo phao cứu sinh. Đồng thời, Bộ cử đoàn công tác xuống Quảng Ninh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác y tế, khắc phục hậu quả mưa lũ.
* Bộ Công thương vừa có công điện khẩn yêu cầu các sở Công thương một số tỉnh phía bắc chuẩn bị phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu; nhất là khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa lũ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn các hiện tượng lợi dụng thiên tai để găm hàng, nâng giá, bán hàng kém chất lượng trên thị trường. Chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy điện triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ, đập, thông báo với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du việc vận hành đóng mở các cửa xả lũ, xả lũ khẩn cấp. Bộ Công thương cũng chỉ đạo các Tập đoàn: Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tiếp tục khắc phục các sự cố, triển khai các biện pháp phòng, chống ngập nước, sạt lở bờ mỏ, bãi thải; chủ động sơ tán người, thiết bị ra khỏi nơi có nguy cơ ảnh hưởng; bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, nhanh chóng khắc phục các sự cố về điện; chống tràn xăng dầu tại các công trình, duy trì lượng xăng dầu dự trữ…
* Bắc Bộ có mưa to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt:Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, từ đêm nay 31-7, rãnh thấp gây mưa kỷ lục ở Quảng Ninh sẽ di chuyển vào đất liền gây mưa to đến rất to cho khu vực Bắc Bộ, thậm chí sang cả bắc Trung Bộ. Thời gian mưa lớn nhất sẽ là cuối tuần này với lượng mưa từ 200 đến 500 mm. Các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở đô thị. Trên biển, do ảnh hưởng của rãnh thấp tây bắc – đông nam có trục qua Bắc Bộ nên ở vịnh Bắc Bộ có gió nam đến tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh, biển động. Sóng biển cao 2 đến 3 m. Độ rủi ro thiên tai cấp 1.
* Chiều 30-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 26-7 đến nay, các tỉnh miền núi phía bắc có mưa vừa, mưa to gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… Trong đó, tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề nhất, đã có 17 người chết, tám người mất tích, 19 nhà sập đổ, 3.700 nhà bị ngập; 1.065 ha lúa, hoa màu, 433,3 ha và 880 lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 33.600 m 3đất đá sạt lở và nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập lụt. Tổng kinh phí thiệt hại ước tính ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.
* Đến chiều 30-7, xã đảo Việt Hải, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) vẫn bị ngập nặng. Đây là xã nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà, bị núi cao bao bọc chung quanh. Những trận mưa liên tiếp với cường độ lớn trong ba ngày qua, cùng sóng lớn và nước biển dâng cao đã biến xã đảo trở thành “rốn” nước. Đảo hiện vẫn bị ngập lụt cục bộ, nước rút chậm, có điểm vẫn ngập sâu hơn 2 m nước. Mọi sự di chuyển trên đảo đều phải dùng xuồng, bè.
* Tại tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ làm một người chết ở thôn Thông Nọi, Bằng Hữu (Chi Lăng). Tại thị trấn Chi Lăng, nơi bị ảnh hưởng nặng nề do lũ, đã có 66 hộ gia đình bị ngập lụt, sạt lở đất, đổ bếp; hơn 300 ha lúa và hoa màu bị ngập úng cục bộ; 11 tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở ở 25 vị trí ta-luy dương với khối lượng khoảng 42.000 m 3, hai vị trí mặt đường bị xói lở, chín vị trí mặt đường bị ngập nước gây ách tắc. Hiện nước ngập trên một số khu phố ở thị trấn Đồng Mỏ đã rút, bà con đang nỗ lực khắc phục hậu quả.
* Ngày 30-7, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái yêu cầu các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương tập trung khắc phục sự cố vụ sạt lở xảy ra ngày 28-7 tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không đi lại gần khu vực sạt lở để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Ngành điện lực huyện Yên Bình khẩn trương có giải pháp cấp điện tạm thời cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của sự cố sạt lở để người dân có điện, nước sinh hoạt trong ngày 30-7.
* UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND về thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất gây ra. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát tất cả các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bằng mọi biện pháp phải cảnh báo thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để chủ động phòng, tránh; sẵn sàng sơ tán dân ở những khu vực thấp, trũng, nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực khai thác khoáng sản đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
* Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tính đến chiều 30-7, tại Quảng Ninh, ước tính thiệt hại trên lưới điện và tài sản của ngành do mưa lũ là gần 1,5 tỷ đồng, cần khoảng 6,5 tỷ đồng để khắc phục. Trên toàn tỉnh còn khoảng 1.400 khách hàng chưa được cấp điện trở lại.
Sáng 30-7, do đập nước của Công ty than 790 có nguy cơ bị vỡ, để bảo đảm an toàn cho người và thiết bị, Trạm biến áp 110 kV Mông Dương đã tách máy biến áp T1 và chuyển toàn bộ sang máy biến áp T2 cấp điện cho khách hàng.
Khi có lệnh sơ tán của UBND tỉnh Quảng Ninh, đơn vị sẽ cắt điện toàn bộ TBA và di chuyển công nhân trực đến vị trí an toàn.
* Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương khẩn trương huy động mọi nguồn lực sẵn sàng phương án, lực lượng ứng phó với diễn biến mưa lũ tiếp theo. Tăng cường tuyên truyền thông tin về diễn biến mưa lũ đến được với người dân để chủ động ứng phó, tăng cường kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các chủ hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt đối với các hồ đã đầy nước; các hồ đang thi công, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm; thường xuyên rửa tay với xà-phòng, thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B, viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()