Hỗ trợ phát triển sản xuất: Chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị
- Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2024, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Trong đó việc liên kết theo chuỗi giá trị ngày càng được chú trọng
Trong những giai đoạn trước, việc hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số thời điểm, một số nơi còn mang tính cào bằng, dàn trải, dẫn tới một số mô hình sản xuất chỉ mang tính thời vụ, hết nguồn lực là mô hình cũng dừng theo.
Nhận diện hạn chế đó, từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Ưu điểm rõ nét nhất của phương thức hỗ trợ này là phát huy được những lợi thế sẵn có tại cơ sở, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Việc hỗ trợ sản xuất na liên kết theo chuỗi giá trị ở huyện Hữu Lũng là một ví dụ.
Bà Linh Thu Hường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xác định các cây, con thế mạnh của từng địa bàn để lựa chọn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó năm 2023, phòng đã lựa chọn xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng). Trong đó cơ quan chuyên môn giao cho Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, cây ăn quả xã Yên Vượng chủ trì dự án với sự tham gia của 125 hộ trồng na thuộc các xã Yên Thịnh, Yên Vượng.
Ông Hoàng Trung Nguyên, Giám đốc Hợp tác Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, cây ăn quả xã Yên Vượng cho biết: Khi tham gia vào dự án liên kết, các hộ trồng na được tập huấn, hướng dẫn sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc… Từ đó, các hộ dân có thêm nguồn lực để phát triển cây na, vừa được hướng dẫn tổ chức sản xuất na an toàn cũng như được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất na đạt 11 tấn/ha, tăng 1,5 tấn so với năm 2022.
Tương tự như tại huyện Hữu Lũng, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, từ cuối năm 2023 đến nay, UBND huyện Đình Lập đã hỗ trợ hợp tác xã, người dân triển khai nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi bò bán chăn thả tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tiến Minh, xã Kiên Mộc (đơn vị chủ trì liên kết) cho biết: Khi tham gia mô hình liên kết, các hộ dân được hỗ trợ bò giống 3B, người dân đối ứng nguồn lực để đầu tư xây dựng chuồng trại, thức ăn, công chăm sóc và hợp tác xã sẽ đứng ra cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người dân. Hiện nay đàn bò sinh trưởng và phát triển rất tốt, dự kiến cuối năm 2024 có thể xuất bán 80% tổng số đàn bò.
Cùng với mô hình liên kết sản xuất tại 2 huyện Hữu Lũng và Đình Lập, từ năm 2022 đến nay các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 64 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn trên 30,6 tỷ đồng. Hiện nay đã có 42 dự án đã thực hiện phê duyệt và giải ngân.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: So với giai đoạn trước, việc triển khai hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2022 đến nay có điểm khác chính là tính liên kết, thể hiện thông qua hợp đồng giữa chủ thể chủ trì liên kết với các bên liên kết, qua đó gắn kết được các bên tham gia, đảm bảo giá cả ổn định.
Để đánh giá được đầy đủ hiệu quả của các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cần có thời gian liên kết ít nhất là 3 chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên qua thực tiễn kiểm tra, nắm bắt của cơ quan chuyên môn, các dự án hỗ trợ sản xuất đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đóng góp quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của các bên tham gia, nhất là các hộ dân trực tiếp sản xuất; từng bước hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa… Thông qua dự án liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã dễ áp dụng các quy trình quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết.
Việc triển khai hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như trực tiếp góp phần hoàn thành một số tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Cụ thể đến nay, toàn tỉnh có 98/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 102/181 xã đạt tiêu chí thu nhập; 104/181 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều; 115/181 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Ý kiến ()