Hỗ trợ phát triển sản xuất ở Lộc Bình: Chưa phát huy hiệu quả rõ nét
– Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lộc Bình đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình sản xuất. Tuy nhiên, các mô hình đều ở mức “bình bình”, chưa tạo được hiệu quả rõ nét.
Năm 2017, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM, xã Hữu Khánh được hỗ trợ để triển khai một số mô hình phát triển sản xuất, trong đó có mô hình trồng lúa Nhật trên diện tích 8,5 ha (Nhà nước hỗ trợ gần 70 triệu đồng). Sau một thời gian triển khai, mô hình đã không phát huy hiệu quả. Ông Vi Văn Lực, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Khánh (đơn vị thực hiện mô hình) cho biết: Ban đầu, việc trồng lúa Nhật diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm lại phát sinh một số khó khăn như: một số hộ sơ chế chưa đúng, giá cả bấp bênh… Chính vì vậy, chỉ sau 3 vụ lúa, hợp tác xã đã dừng hẳn mô hình và chuyển sang trồng khoai tây.
Thu hoạch rau màu tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình
Không dừng hẳn như mô hình sản xuất tại xã Hữu Khánh, song nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn xây dựng NTM ở một số xã khác trên địa bàn huyện Lộc Bình cũng chưa có sự chuyển biến. Ông Lành Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn cho biết: Năm 2019, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM với nguồn vốn đối ứng của người dân (Nhà nước hỗ trợ 476 triệu đồng, người dân đối ứng 450 triệu đồng), xã đã thực hiện mô hình “Liên kết sản xuất khoai lang thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm” với diện tích thực hiện là 18 ha. Phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai nên cây khoai lang phát triển tốt. Cũng trong năm, ngoài diện tích 18 ha được hỗ trợ, người dân trên địa bàn xã trồng được 46,6 ha khoai lang. Tuy nhiên, khi thu hoạch, năng suất, chất lượng cây khoai lang trồng theo dự án vẫn chỉ bằng khoai người dân tự trồng (khoảng 4,2 tạ/sào), việc tiêu thụ cũng giống nhau với giá khoảng 10.000 đồng/kg, không cho thấy hiệu quả rõ nét từ mô hình.
Cùng với 2 trường hợp kể trên, trong những năm qua, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Lộc Bình đã hỗ trợ để các hộ dân có thêm điều kiện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, huyện đã triển khai hỗ trợ 45 mô hình phát triển sản xuất với khoảng 2.600 hộ dân tham gia, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 13,6 tỷ đồng, người dân đối ứng 9,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Thực tế cho thấy, nhiều mô hình sản xuất được hỗ trợ trên địa bàn huyện đạt kết quả chưa cao, chủ yếu mới hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân chứ chưa xây dựng được mô hình sản xuất rõ nét; việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả còn chậm. Nguyên nhân là do việc lựa chọn một số mô hình chưa phù hợp, người dân chủ yếu lựa chọn đăng ký các mô hình cây ngắn ngày (các mô hình này chiếm đến 90%), theo mùa vụ, chưa có mô hình cây, con lâu năm; một số xã chưa thực sự coi trọng việc sản xuất, tiến độ triển khai thực hiện nguồn vốn HTSX còn chậm. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động, định hướng phát triển các mô hình sản xuất của cơ quan chuyên môn còn hạn chế…
Xác định được những khó khăn như vậy, thời gian tới, phòng chuyên môn huyện Lộc Bình tiếp tục tập trung tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền, vận động người dân để lựa chọn mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp; lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án; đưa các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đến với người dân. Từ đó, người dân vừa tập trung vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, vừa hỗ trợ để xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm; định hướng phát triển thêm các mô hình cây, con dài ngày, tạo sự phát triển ổn định…
Hy vọng rằng, với những giải pháp đưa ra cùng tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, thời gian tới, huyện Lộc Bình sẽ sử dụng nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM hiệu quả hơn, tạo chuyển biến rõ nét hơn, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()