Hỗ trợ phát triển sản xuất ở Bắc Sơn: Hiệu quả chưa cao
(LSO) – Từ năm 2014 đến tháng 6/2019, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 (nay gọi là hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững), huyện Bắc Sơn đã phân bổ hơn 20,4 tỷ đồng hỗ trợ cho 22.216 lượt hộ. Tuy vậy, hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn chưa như mong muốn, việc đa dạng hóa sinh kế chưa thực sự rõ nét.
Xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn thuộc khu vực 2, nhưng trên địa bàn xã còn 2 thôn đặc biệt khó khăn, do vậy hằng năm, xã được phân bổ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ cho những hộ khó khăn trong 2 thôn này. Nhưng mức hỗ trợ hằng năm khá thấp. Ông Hoàng Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2018, huyện phân bổ cho xã 48 triệu đồng và năm 2019 là 100 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất cho bà con. Khi xã họp bàn với 46 hộ thuộc diện được hỗ trợ, nhiều hộ muốn được hỗ trợ con giống (lợn hoặc dê), tuy nhiên, vốn phân bổ ít nên không thể mua con giống hỗ trợ bà con. Giải pháp cuối cùng là mua phân bón cho bà con phục vụ nhu cầu chăm sóc lúa. Việc hỗ trợ mua phân bón cũng chỉ giúp bà con đỡ một phần chi phí, còn việc thực hiện mô hình phát triển sản xuất tạo sinh kế để bà con thoát nghèo tăng thu nhập, từ đó thoát nghèo bền vững là không thể.
Mô hình phát triển cây bưởi ở xã Đồng Ý
Tương tự, xã Hưng Vũ hiện còn 1 thôn đặc biệt khó khăn đưởng thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Năm 2018, xã được phân bổ hơn 40 triệu đồng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất. Với số tiền này, xã đã triển khai mua phân bón hỗ trợ bà con.
Hiện trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn 9 xã đặc biệt khó khăn, 87 thôn đặc biệt khó khăn (10 thôn thuộc xã khu vực 2 và 77 thôn thuộc xã khu vực 3) hằng năm được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Tuy vậy, nguồn vốn phân bổ thấp, việc hỗ trợ mang tính thời vụ khiến hiệu quả giảm nghèo đạt chưa cao.
Trao đổi với lãnh đạo các xã: Nhất Tiến, Đồng Ý, Chiến Thắng, Bắc Sơn, Vũ Sơn, chúng tôi được biết: kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện dàn trải, không tập trung (phân bổ đều cho các xã) nên hiệu quả mang lại chưa cao. Cụ thể như mức vốn phân bổ hằng năm về cho xã ít nên các xã phải “loay hoay” tìm xem nên mua cây giống, con giống hay phân bón để hỗ trợ cho các hộ dân. Bên cạnh mua phân bón, như đã nêu ở trên, nguồn vốn hỗ trợ bị dàn trải cho nhiều xã, nên có xã cố gắng thực hiện mua cây ăn quả giống cho bà con thì số lượng cây giống phát về từng hộ cũng chỉ có vài cây. Ví dụ như việc mua cây bưởi da xanh hỗ trợ cho các hộ dân, do giá cây giống cao, nên số lượng cây giống hỗ trợ người dân chỉ có khoảng 5 – 7 cây/hộ. Trong khi đó, cây bưởi phải trồng 3 năm trở lên mới bói quả, sau 5 năm mới thực sự cho thu hoạch. Việc chỉ trồng vài cây ăn quả thì không thể là sinh kế giúp người dân thoát nghèo.
Hiện tổng số hộ nghèo của huyện Bắc Sơn (tính đến hết năm 2018) là 2.748 hộ, chiếm 16,72%, giảm 9,48% so với năm 2015. Đặc biệt, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn chiếm tới 96,25% (2.675 hộ) tổng số hộ nghèo toàn huyện. Báo cáo của UBND huyện Bắc Sơn (trình tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III, năm 2019) nêu rõ: khả năng tái nghèo của những hộ cận nghèo vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân là việc triển khai chính sách dân tộc, chương trình giảm nghèo chưa hiệu quả. Nguồn vốn hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, do vậy, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thoát nghèo còn thấp.
Ông Dương Trần Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Trong triển khai các dự án phát triển sản xuất, tình trạng các xã “khát” vốn là là có thật. Huyện đã và đang từng bước thay đổi phương pháp hỗ trợ. Cụ thể tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho một nhóm xã; hỗ trợ nhưng có sự ràng buộc đối với các hộ được thụ hưởng. Điển hình như mô hình hỗ trợ bò sinh sản tại xã Chiến Thắng (năm 2018). Các hộ dân được chọn hỗ trợ 1 con bò với điều kiện phải mua đối ứng 1 con nữa. Khi người dân mạnh dạn bỏ vốn thì họ sẽ có trách nhiệm hơn vào phát triển sinh kế của mình.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn dưới 10%, theo lãnh đạo UBND huyện thì trong thời gian tới, Bắc Sơn sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo vùng khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, huyện sẽ chủ động hơn trong việc đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ bằng cách kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay xây dựng, đầu tư các dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện.
Ý kiến ()