Hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 08: Còn nhiều điểm nghẽn
- Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết 15 ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số chính sách thuộc nghị quyết vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Nghị quyết 08 gồm 8 nhóm chính sách hỗ trợ, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay các nhà đầu tư mới chỉ tiếp cận được 4/8 nhóm chính sách hỗ trợ thuộc nghị quyết này.
Nhiều nhóm chính sách khó tiếp cận
Ngay sau khi Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 được ban hành, các cấp, ngành liên quan của tỉnh đã triển khai các giải pháp để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhà đầu tư các nội dung trong nghị quyết. Từ đó giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình, cá nhân (gọi chung là nhà đầu tư) nắm bắt được đầy đủ thông tin và chủ động tiếp cận được các chính sách hỗ trợ.
Tính đến hết năm 2023, các cấp, ngành liên quan đã hỗ trợ 1.079 nhà đầu tư tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng với tổng số vốn ngân hàng cho vay là 530,4 tỷ đồng, số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất gần 56 tỷ đồng; hỗ trợ 118 nhà đầu tư phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường với số tiền trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 132 hợp tác xã với số tiền 2,64 tỷ đồng; hỗ trợ 32 trí thức trẻ về làm việc tại 28 hợp tác xã với số tiền hỗ trợ gần 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ thưởng chủ thể 59 sản phẩm OCOP với số tiền 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, đến nay, các cấp, ngành mới triển khai hỗ trợ cho nhà đầu tư được 4/8 nhóm chính sách hỗ trợ theo nghị quyết gồm: hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ phát triển thương hiệu mở rộng thị trường; hỗ trợ thành lập mới và đưa trí thức trẻ về làm việc tại hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đề án chương trình OCOP.
Còn 4/8 nhóm chính sách các nhà đầu tư chưa tiếp cận được gồm: hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ đầu tư cơ sở: bảo quản, chế biến nông lâm sản, giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án.
Đi tìm nguyên nhân
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nguyên nhân các nhà đầu tư chưa tiếp cận được 4/8 nhóm chính sách còn lại là do các chính sách này chủ yếu hướng đến các dự án quy mô lớn, sản xuất tập trung đòi hỏi nhiều điều kiện cao, trong khi đó các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ khó triển khai được các dự án này để được thụ hưởng chính sách.
Ví dụ như việc hỗ trợ bảo quản nông sản thuộc Điều 8 của Nghị quyết 08. Theo đó, nhà đầu tư được hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cơ sở bảo quản nông sản nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị. Điều kiện hỗ trợ: công suất cơ sở sấy nông, lâm sản phải đạt tối thiểu 30 tấn sản phẩm/lượt; bảo quản rau, củ, quả, hoa quả tươi, chè, hồi, thuốc lá, các loại nông sản khác đạt 200 tấn kho/lượt; bảo quản, lưu trữ giống cây trồng đạt công suất 30 tấn kho/lượt. Với những điều kiện như vậy, nhà đầu tư trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ rất khó đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư tiếp cận được, song trên thực tế vẫn còn bất cập trong thực tiễn như hỗ trợ lãi suất phát triển các cây chủ lực của tỉnh. Cụ thể tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết 08 có nêu “Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân vốn vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng, đồng thời căn cứ vào thời hạn hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng nhưng tối đa không quá 5 năm đối với dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; không quá 7 năm đối với dự án trồng cây lâm nghiệp kinh doanh lấy gỗ nguyên liệu; không quá 10 năm đối với dự án trồng cây ăn quả, cây đặc sản; không quá 12 năm đối với dự án trồng cây gỗ lớn; không quá 3 năm đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp khác”.
Tuy nhiên hiện nay không có định nghĩa và danh mục quy định cây đặc sản. Mặt khác, một số cây chủ lực của tỉnh như hồi, quế, sở là các cây lâm nghiệp thuộc danh mục dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư. Đối chiếu quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết 08, các loại cây này không phải là cây ăn quả, không phải là cây lâm nghiệp kinh doanh lấy gỗ nguyên liệu. Vì vậy các dự án trồng hồi, quế, sở thuộc nhóm dự án đầu tư vào nông nghiệp khác, thời gian hỗ trợ lãi suất tín dụng chỉ được áp dụng tối đa 3 năm là chưa phù hợp vì các cây trên có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch thường từ 7 - 8 năm…
Những bất cập đó khiến nhà đầu tư khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Ông Vi Hải Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hoa hồi Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2023, hợp tác xã đã lập dự án trồng hồi tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng. Sau khi nắm bắt được các chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng, hợp tác xã đã thực hiện các bước làm hồ sơ đúng quy định. Theo tìm hiểu của hợp tác xã tại các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, dự án này của hợp tác xã đề nghị thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất với thời gian 10 năm. Tuy nhiên theo các cơ quan chức năng hướng dẫn, dự án này được hỗ trợ với thời gian ít hơn (1 đơn vị trả lời hợp tác xã thời gian hỗ trợ được 7 năm, 1 đơn vị trả lời là 3 năm). Do đó hợp tác xã rất lúng túng trong việc tiếp cận chính sách.
Cùng với trường hợp của Hợp tác xã Hoa hồi Chi Lăng, nhiều nhà đầu tư khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp những vướng mắc tương tự, đặc biệt liên quan đến dự án trồng rừng, trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư khác lại gặp vướng mắc liên quan đến quy hoạch tại Điều 5 của Nghị quyết 08 (Dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và các quy định khác có liên quan và các quy định tại Nghị quyết này).
Bà Vy Thúy Thành, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08 của các nhà đầu tư trên địa bàn huyện rất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chăn nuôi quy mô hộ gia đình chỉ xây chuồng trại trên đất ở tại nông thôn, đất trồng cây lâu năm, đất vườn liền nhà ở. Trong khi đó Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định đất xây chuồng trại chăn nuôi là đất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đã trồng rừng (keo, bạch đàn) trên đất trồng cây lâu năm, trồng cây ăn quả trên đất trồng cây hàng năm khác... Những dự án về chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả này cơ bản khi đối chiếu quy hoạch sử dụng đất đa phần đều không đủ điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Qua đó từ năm 2023 đến nay, cơ quan chuyên môn ở huyện đã tiếp nhận 50 dự án đề nghị hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08 nhưng không có dự án nào đủ điều kiện.
Tham mưu gỡ khó
Trước những vướng mắc nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục. Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để khắc phục các hạn chế, bất cập trên, Sở đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, ban hành Hướng dẫn liên ngành số 2999 thay thế cho Hướng dẫn liên ngành số1678 ngày 29/9/2021 và Hướng dẫn liên ngành số1859 ngày 9/9/2022 về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện Nghị quyết 08, Nghị quyết 15. Đồng thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về chủ trương sửa đổi bổ sung Nghị quyết 08, Nghị quyết 15. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 08, Nghị quyết 15 để khắc phục các vướng mắc, bất cập. Dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh thông qua sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Với việc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ của các cơ quan liên quan, hy vọng rằng thời gian tới, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 hoặc các chính sách khác sẽ phát huy hiệu quả rõ nét hơn nữa. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tiếp tục được tiếp cận chính sách hỗ trợ, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()