Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Hiệu quả ở Tràng Định
(LSO) – Từ những chính sách hỗ trợ của nhà nước đã tạo điều kiện để nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tràng Định có cơ hội vươn lên phát triển.
Hơn 4 năm trước, lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn huyện Tràng Định dừng hoạt động gần hết. Nguyên nhân chủ yếu là các HTX hoạt động với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn, sản phẩm ít có tính cạnh tranh ngoài thị trường…
Để khắc phục hạn chế, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các HTX, huyện Tràng Định đã có những giải pháp đồng bộ, cụ thể để hỗ trợ các HTX vươn lên phát triển. Trong đó, các giải pháp chính được triển khai như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển mới HTX; hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn vay, các dự án phát triển sản xuất; phối hợp hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
HTX nông sản sạch Tràng Định được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất
Từ sự quan tâm của huyện cũng như một số ngành chức năng, các HTX trên địa bàn huyện từng bước được thành lập và vươn lên phát triển.
Được thành lập từ năm 2018, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát, xã Chí Minh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cây mía. Chị Nông Thị Hiệu, Giám đốc HTX cho biết: Thời điểm đầu đi vào hoạt động, HTX mới trồng được 5 ha mía. Đến năm 2019, HTX được nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, HTX đối ứng thêm gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng mô hình trồng mía theo chuỗi liên kết và vụ mía năm 2019, với diện tích gần 24 ha đem về doanh thu trên 1,7 tỷ đồng cho HTX. Có thêm vốn, cộng với tích lũy được kinh nghiệm, năm 2020, HTX tiếp tục triển khai trồng thêm 12,5 ha mía và mở rộng thêm mô hình trồng cây dược liệu.
Tương tự như HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát, từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của nhà nước, HTX Nông sản sạch Tràng Định cũng đã có những bước phát triển nhanh chóng. Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX chia sẻ: Được thành lập từ năm 2017, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, hướng đến là phục tráng, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo bao thai hồng, gạo nếp cái ong vàng và một số nông sản truyền thống của huyện Tràng Định.
Để giúp HTX vươn lên phát triển, UBND huyện Tràng Định đã có những giải pháp hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, giống; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… cho HTX. Bên cạnh đó, HTX còn được tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh với tổng kinh phí được hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Từ sự hỗ trợ của nhà nước và sự nỗ lực của mình, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX Nông sản sạch Tràng Định đã vươn lên thành một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước, năm 2019, doanh thu của HTX hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Cùng với 2 HTX kể trên, để giúp các HTX vươn lên phát triển, hằng năm, huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động đến tận cơ sở. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ vốn để các HTX xây dựng các mô hình sản xuất. Cụ thể năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã hỗ trợ một số HTX thực hiện dự án như: nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản Tràng Định; nhân rộng mô hình trồng mía theo chuỗi liên kết tại xã Chí Minh; hỗ trợ trồng cây ăn quả tại xã Hùng Sơn… với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của các HTX, những năm gần đây, lĩnh vực kinh tế HTX trên địa bàn huyện Tràng Định đã có những chuyển biến rõ nét. Từ chỗ chỉ còn 1 – 2 HTX hoạt động như 4 năm trước, hiện nay, địa bàn đã có 17 HTX hoạt động, trong đó có 14 HTX nông nghiệp. Không chỉ tăng nhanh chóng về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX cũng được nâng lên. Doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn huyện đạt trên 900 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho khoảng 1.000 thành viên và người lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/ tháng.
Ý kiến ()