Hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 20/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh-Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đã diễn ra.
Diễn đàn cho Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức.
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cùng gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức quốc tế, tổ chức phát triển, đại sứ quán…
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc, miền núi và thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Chủ đề diễn đàn rất thiết thực, có ý nghĩa, thông qua các minh chứng sống động, đặc biệt là chuỗi giá trị của sâm Ngọc Linh và được chia sẻ từ chính những người trong cuộc, rất có giá trị.
Phó Thủ tướng nhất trí với các nhận định, đánh giá về thành quả phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam mà đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Với tinh thần đó, việc diễn đàn lựa chọn chủ đề “Sâm Ngọc Linh-Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nêu một số nội dung để Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp cùng các đối tác phát triển tiếp tục nghiên cứu, thực hiện vì mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là để xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội giai đoạn sau năm 2020, các bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc miền núi.
Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính diễn đàn, từ những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng, phù hợp để phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội của địa phương mình.
Phó Thủ tướng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp phát triển cây sâm Ngọc Linh xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia.
Theo báo cáo về Giảm nghèo và Thịnh vượng chung ở Việt Nam, được Ngân hàng Thế giới công bố, đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam có nhiều bước tiến lớn, cụ thể tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tụt hậu trên nhiều phương diện, điển hình như tỷ lệ chậm lớn ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số là 31% cao gấp 2 lần so với đồng bào đa số; tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số hiện chiếm 73% tổng nghèo cả nước; tỷ lệ chi tiêu đầu người của nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn 45% so với nhóm đa số.
Để thu hẹp khoảng cách phát triển, trong giai đoạn tới cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Lâm sản ngoài gỗ có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội và môi trường của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số.
Trong số các lâm sản ngoài gỗ, rất nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, giá trị dinh dưỡng dồi dào, giá trị dược liệu lớn. Cây sâm Ngọc Linh là một trong những lâm sản ngoài gỗ điển hình với giá trị kinh tế cao.
Ngày 12/9/2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh-sâm Việt Nam” đến năm 2030 với tổng mức đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh chính thức được công nhận là sản phẩm quốc gia.
Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chính quyền các cấp đã thảo luận, chia sẻ các nội dung như: bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam; lâm nghiệp bền vững và cơ hội phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số – chính sách, cơ hội và thách thức, khuyến nghị; tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020; sâm Ngọc Linh-giá trị, thực trạng, tiềm năng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số; Chiến lược phát triển giống và các sản phẩm sâm Ngọc Linh…
Tất cả hướng đến việc tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn môi trường theo tiếp cận chuỗi giá trị và hợp tác công-tư./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()