Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
LSO-Hiện nay, doanh nghiệp Lạng Sơn đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đa dạng loại hình, kéo theo đó là các mối quan hệ kinh tế cũng ngày một phong phú, phức tạp và bắt đầu nảy sinh nhưng mẫu thuẫn, tranh chấp trong quá trình hoạt động. Điều này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần nắm vững cơ chế, pháp lý hiện hành để phát triển.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đối thoại về pháp lý do Sở Tư pháp tổ chức |
Tăng cường tuyên truyền
Để tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật có liên quan cho người quản lý, nhân viên trong doanh nghiệp. Trong đó, nội dung hướng đến là các vấn đề pháp luật trong kinh doanh, chiến lược kinh doanh, quản trị tài chính, quản trị nhân lực…
Từ năm 2016 đến tháng 9/2017, các sở, ngành đã tổ chức 20 hội nghị, tập huấn kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực: môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; kiến thức pháp luật lao động, công đoàn cho 1.153 lượt người tham dự. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức được 3 chương trình tập huấn, đào tạo, phổ biến Luật Đầu tư và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp.
Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, Sở Tư pháp tổ chức 2 hội nghị tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề về pháp lý cho doanh nghiệp. Năm 2017, sở đã tổ chức hội nghị đánh giá về thực trạng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với hơn 60 đại biểu tham dự là cán bộ làm công tác pháp chế, theo dõi hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tại các sở, ngành của tỉnh. Qua đó, nắm bắt những điểm hạn chế để kịp thời điều chỉnh.
Bà Lưu Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Thông qua các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, các cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách pháp chế doanh nghiệp được cập nhập kiến thức về pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế. Về phía doanh nghiệp đã chú trọng quan tâm hưởng ứng sâu rộng và triển khai có hiệu quả công tác này tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật, chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các trang điện tử của tỉnh luôn được duy trì, cập nhập cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật. Các sở, ngành như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công thương… đã xây dựng các trang thông tin điện tử để đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, công khai các thủ tục hành chính và tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp.
Giải đáp pháp luật
Bên cạnh đào tạo, tập huấn nâng cao hiểu biết về pháp luật cho doanh nghiệp thì việc giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp cũng được các sở, ngành quan tâm, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Sở Tư pháp luôn chủ động và kịp thời ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện chính sách pháp luật đang triển khai phù hợp với thực tiễn.
Qua đó, từ năm 2016 đến nay, các sở, ngành đã thực hiện giải đáp pháp luật bằng văn bản cho 70 doanh nghiệp, giải đáp qua điện thoại cho 268 lượt doanh nghiệp. Đồng thời các cơ quan, đơn vị của tỉnh đều thiết lập hòm thư công vụ tại trang thông tin điện tử hoặc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp qua đường công văn. Đặc biệt, một số cơ quan thường xuyên liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường còn công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh.
Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ pháp lý đã giúp nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức đúng về vai trò của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, nhất là lĩnh vực pháp luật lao động, giải quyết tranh chấp trong quá trình hoạt động. Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động đào tạo, tuyển dụng nhân viên tư vấn về pháp lý phục vụ quá trình hoạt động.
ANH DŨNG
Ý kiến ()