Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp
Hiện nay, Sóc Trăng là tỉnh áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa đứng hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp nông dân giảm thất thoát khâu thu hoạch, tăng giá trị hạt lúa, bán được giá cao. Ðạt được kết quả này là nhờ Sóc Trăng có quyết định kịp thời và mang tính đột phá.
Hiện nay, Sóc Trăng là tỉnh áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa đứng hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp nông dân giảm thất thoát khâu thu hoạch, tăng giá trị hạt lúa, bán được giá cao. Ðạt được kết quả này là nhờ Sóc Trăng có quyết định kịp thời và mang tính đột phá.
Trước khi Sóc Trăng thực hiện dự án hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GÐLH), phần lớn diện tích lúa được thu hoạch bằng phương pháp thủ công, máy suốt; lúa phơi trơ ngoài đồng cùng mưa nắng, chất lượng hạt lúa giảm sút nghiêm trọng, tỷ lệ hao hụt không nhỏ. Chỉ tính riêng khâu thu hoạch, thất thoát hơn 5%, gây thiệt hại cho nông dân Sóc Trăng hàng trăm tỷ đồng mỗi vụ. Lúc thu hoạch rộ, còn xảy ra tình trạng thiếu lao động, trong khi lúa đang chín rục đầy đồng, nông dân đành phải cắn răng mướn nhân công gặt lúa với giá cao từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/công, khó bảo đảm lợi nhuận. Mặc dù có máy GÐLH từ các tỉnh khác về Sóc Trăng làm dịch vụ nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con nông dân, nhất là những hộ có vài chục công ruộng trở lên. Bà con lại không đủ khả năng tự bỏ tiền ra mua máy GÐLH. Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân cách trồng lúa, xây dựng cánh đồng mẫu, thực hiện dự án lúa đặc sản…, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã nhiều lần họp bàn làm sao giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, nâng cao thu nhập cho nông dân, cuối cùng đi đến thống nhất thực hiện dự án hỗ trợ nông dân mua máy GÐLH. Ðể kịp phục vụ thu hoạch lúa vụ hè thu, tháng 9-2011, dự án được ráo riết triển khai thực hiện.
Niềm vui trúng mùa lúa thơm của bà con nông dân huyện Trần Ðề.
Mục tiêu của dự án là đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh; giảm tổn thất khâu thu hoạch, tăng lợi nhuận cho nông dân. Hộ nông dân, hợp tác xã có nhu cầu mua máy GÐLH phải có vốn đối ứng và có khả năng quản lý, sử dụng hiệu quả. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay 70% giá trị máy. Nông dân còn được tỉnh trích ngân sách hàng chục tỷ đồng hỗ trợ lãi suất trong hai năm đầu; dựa vào diện tích trồng lúa mà phân bổ cụ thể, phù hợp số lượng máy cho từng địa phương. Ðặc biệt, Sóc Trăng đã có cơ chế riêng để hỗ trợ nông dân mua máy mà không giới hạn tỷ lệ nội địa hóa; mỗi máy GÐLH trị giá trên dưới 500 triệu đồng. Ðến nay, qua hai đợt thực hiện dự án, tỉnh đã hỗ trợ nông dân mua 250 máy, nâng tổng số máy GÐLH trong tỉnh lên 650 máy. Do đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong khâu thu hoạch lúa, nên ngay từ giai đoạn đầu triển khai, dự án đã được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Phần lớn nông dân Sóc Trăng lựa chọn mua máy Kubota của Nhật Bản lắp ráp tại Việt Nam. Qua thực tế sử dụng cho thấy, dòng máy này bền, gọn nhẹ, ít tốn nhiên liệu, hiệu suất hoạt động cao. Ðể giúp nông dân sử dụng máy hiệu quả, an toàn, ngành nông nghiệp Sóc Trăng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho bà con. Nhờ lo cho nông dân từ việc hỗ trợ vốn, tạo điều kiện mua loại máy tốt đến việc tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, nên ngay từ ban đầu, dự án hỗ trợ nông dân mua máy GÐLH đã phát huy hiệu quả cao.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nếu khâu thu hoạch lúa bằng thủ công như: cắt gom, suốt lúa bằng thùng thì tỷ lệ hao hụt lên đến hơn 5%, trong khi thu hoạch bằng máy GÐLH, tỷ lệ này giảm còn khoảng 2%. Tính theo năm lương thực 2013, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 373.400 ha lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa từ 25% năm 2010 tăng lên hơn 80% trong vụ đông xuân năm 2012 – 2013. Khi thu hoạch bằng máy GÐLH, nếu tính các khoản như: giảm thất thoát trong thu hoạch; chi phí thu hoạch bằng máy thấp hơn 1,5 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công; giá lúa thu hoạch bằng máy cao hơn thu hoạch thủ công từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/tấn thì ba vụ lúa mùa – đông xuân – hè thu năm 2013, giảm thất thoát, nông dân thu lợi thêm cả nghìn tỷ đồng.
Với hiệu quả thiết thực của đề án hỗ trợ nông dân mua máy GÐLH, tin chắc rằng đến năm 2015, tỉnh Sóc Trăng sẽ đạt kế hoạch đề ra là thu hoạch lúa bằng máy GÐLH đạt 90% diện tích gieo trồng, đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa khâu thu hoạch, nâng cao chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()