Hỗ trợ nhân dân phòng, chống thiên tai, khôi phục sản xuất
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 14-8, rãnh thấp hoạt động mạnh dần sẽ gây mưa và dông cho các tỉnh phía bắc. Vùng núi Đông Bắc Bộ có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc và gió giật mạnh. Miền trung trời bớt nóng hơn do nằm trong vùng gió tây nam ẩm, mây nhiều, nhiệt độ không nơi nào cao quá 35oC. Các tỉnh Nam Bộ, ngày nắng với mức nhiệt từ 33 đến 35oC.
* Các địa phương tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa trên diện rộng
* Cứu nạn thành công một tàu cá mắc cạn
Trên biển, huyện đảo Trường Sa thời tiết tốt, có nắng, gió nhẹ, tầm nhìn xa trên 10 km. Huyện đảo Hoàng Sa trời mưa rào, lúc có dông khả năng có gió giật mạnh, gió cấp 4, cấp 5, tầm nhìn xa giảm 4 đến 10 km trong mưa.
* Ngày 13-8, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định phân bổ 6,954 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, huyện Đại Lộc được phân bổ 2,082 tỷ đồng, huyện Duy Xuyên: 1,214 tỷ đồng, huyện Nông Sơn: 1,038 tỷ đồng, huyện Điện Bàn: 1,020 tỷ đồng, các địa phương còn lại được phân bổ từ 16 triệu đến 380 triệu đồng. Trong đợt này, toàn tỉnh có 534 hộ nghèo ở các địa phương được cấp tiền để xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt; mỗi hộ được hỗ trợ từ 12 đến 16 triệu đồng… UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký quyết định hỗ trợ 85 tấn thóc giống cho nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại nặng do ngập úng để khôi phục sản xuất. Theo đó, các giống hỗ trợ gồm: Bao thai lùn, P6 đột biến, KD18, DV108, CR203. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp đơn vị cung ứng giống cho nông dân bảo đảm khung thời vụ. UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân được biết.
* Ngày 13-8, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tham vấn dự thảo kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2015-2020. Theo kịch bản, tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh như năng suất lúa sẽ giảm, còn khoảng hơn 47 tạ/ha, xâm nhập mặn sẽ làm giảm sản lượng lúa từ 20 đến 25%, thậm chí 50%… Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý vào các báo cáo và trao đổi ý kiến về những công trình, dự án ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh, danh mục ưu tiên, cần vận động các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện; khi xây dựng các công trình cống, đê, kè cần tính toán cao trình để ứng phó với triều cường và nước biển dâng trong quá trình thực hiện. Do tác động của BĐKH và nước biển dâng, tình hình xâm nhập mặn ở vùng ven đê biển Tây tỉnh Cà Mau diễn ra ngày càng nghiêm trọng, lấn sâu vào trong đê, có nơi lên tới 2,3 km. Nguyên nhân là do tuyến đê biển Tây dài gần 100 km bị xuống cấp, sạt lở từ nhiều năm nay. Do đất nhiễm mặn, trồng cây ăn trái, hoa màu đạt năng suất thấp, nên cuộc sống của người nông dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
* Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, do mưa liên tục, kéo dài nhiều ngày đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh gây hại cho lúa trên diện rộng. Hiện tổng diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh gần 24 nghìn ha; trong đó nhiễm nặng khoảng 8.400 ha. UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2015 gửi các địa phương trên địa bàn. Một số huyện đã trích ngân sách hỗ trợ tiền công và mua thuốc phòng trừ sâu bệnh; đồng thời tổ chức dịch vụ phun thuốc tập trung đẩy nhanh tiến độ phòng trừ. Còn tại tỉnh Sóc Trăng lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng bị sâu hại tiến công tăng nhanh, làm ảnh hưởng đến năng suất của vụ lúa. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trên địa bàn hiện có gần 1.400 ha lúa bị sâu cuốn lá tiến công. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân chủ động phun thuốc trừ vi khuẩn sớm và tạm ngưng bón phân đạm, tăng cường sử dụng phân bón lá để vụ lúa hè thu đạt năng suất và hiệu quả tốt nhất.
* 6 giờ 30 phút ngày 13-8, Đồn Biên phòng Cửa Đại, TP Hội An nhận được tin báo tàu cá QNg – 94597 của ông Lê Ngọc Tin (trú tại xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cùng hai thuyền viên đang trên đường từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, khi đi qua vùng biển Cửa Đại thì bị hỏng ống nước, ống hơi và bị sóng đánh dạt vào cồn cát, mắc cạn. Lúc này, tàu đã bị chết máy. Ngay sau đó, Đồn Biên phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ cùng với một ca-nô ra ứng cứu. Nhưng do sóng to nên công tác cứu nạn gặp khó khăn, lực lượng bộ đội đã điều động tàu QNa – 90207 của ông Trần Công Tăng trú tại xã Tam Hòa, Núi Thành cùng ra ứng cứu. Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày đã lai dắt tàu cá bị nạn vào cảng Cửa Đại an toàn.
* Chiều 13-8, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đã đưa thuyền viên Huỳnh Ngọc Châu về tới Đà Nẵng, hiện sức khỏe thuyền viên này đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, lúc 16 giờ ngày 11-8, Danang MRCC nhận được thông tin: Tàu QNa 91719 TS do ông Phạm Thanh Liêm làm thuyền trưởng trong lúc hành nghề câu mực tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam (cách Đà Nẵng 330 hải lý về phía đông) có thuyền viên Châu, 48 tuổi, bị đau vùng ngực, khó thở. Đến ngày 12-8, người bệnh sốt cao, không ăn uống được, tàu yêu cầu cứu nạn khẩn cấp khi đang ở vị trí cách Đà Nẵng 230 hải lý. Tàu SAR 412 lên đường đi ứng cứu và đã tiếp cận được tàu bị nạn, chuyển bệnh nhân sang tàu SAR 412 để bác sĩ thăm, khám và điều trị.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()